Vai trò và nhiệm vụ của FED là gì? Ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế thế giới

FED là tổ chức tài chính lớn nhất của Mỹ với các chính sách tiền tệ gây ảnh hưởng đến toàn thế giới. Nếu bạn cũng là một người quan tâm đến thị trường đầu tư, tài chính thì bạn chắc hẳn đã nghe qua những lần FED tăng, hạ lãi suất gây ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh tế của các quốc gia khác trên thế giới.

Vậy FED là gì? Nhiệm vụ và vai trò của FED ra sao? FED có tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu, 3Gang sẽ trả lời giúp bạn thông qua bài viết ngày hôm nay nên hãy cùng theo dõi với chúng tôi nhé.

FED là gì?

FED là viết tắt của từ tiếng Anh Federal Reserve System, tức là Cục dự trữ Liên bang, hay chính là Ngân hàng Trung ương Mỹ. Ngày 23/12/1913, khi Tổng Thống Woodrow Wilson còn đương nhiệm, FED được thành lập. Ông chính là người ký và thông qua đạo luật “Federal Reserve Act” với mục đích là duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định cho nước Mỹ.

FED hiện đang là tổ chức duy nhất được in tiền USD và không chịu bất kỳ sự tác động hay quản lý nào của Chính phủ Hoa Kỳ. Chính vì vậy, mọi thay đổi về lượng cung tiền, chính sách tiền tệ hoặc lãi suất FED đều trở thành mối quan tâm của tất cả các nhà chính trị và giới đầu tư, tài chính trên toàn thế giới.

Bản chất của FED là gì

FED là một cơ quan hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc và cũng không chịu bất kỳ tác động nào của chính phủ Mỹ. Khi phải đảm nhận nhiều vai trò quan trọng đối với đất nước, sự độc lập sẽ giúp FED có thể đưa ra những chính sách phù hợp với thực tế, đảm bảo sự ổn định cho nền tài chính của toàn liên bang và giúp kinh tế của cả đất nước phát triển theo hướng đi đúng đắn nhất.

Đặc biệt, kho dự trữ của FED cũng đang là nơi tập trung lượng tiền và vàng nhiều nhất thế giới. Ngân hàng Thành Phố New York thuộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ hiện đang dự trữ tới 25 % lượng vàng trên toàn thế giới và số vàng này hầu hết là vàng của quốc tế gửi.

Tìm hiểu về cơ cấu hệ thống của FED

Cơ chế hoạt động của FED là gì
Cơ chế hoạt động của FED là gì

Cơ cấu hệ thống của FED bao gồm các thành phần chính như sau:

  • Tổng thống Hoa Kỳ sẽ chỉ định 7 thành viên trực thuộc Hội đồng Thống đốc có nhiệm kỳ là 14 năm.
  • Ủy ban Thị trường mở Liên Bang có tên tiếng anh là Federal Open Market Committee và viết tắt là FOMC. Tổ chức này bao gồm 7 thành viên và 5 chủ tịch của các Ngân hàng chi nhánh. Nhiệm vụ của FOMC là thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở liên bang, ví dụ như giao dịch ngoại hối, mua bán trái phiếu chính phủ, thiết lập các chính sách tiền tệ ngắn hạn của Liên bang.
  • 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang có trụ sở đặt tại các thành phố lớn bao gồm: New York, Boston, Chicago, Philadelphia, St. Louis, Cleveland, Richmond, Atlanta, Minneapolis, Dallas, Kansas City và San Francisco và các ngân hàng thành viên sẽ thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến thực thi chính sách tiền tệ cho từng khu vực.

Vai trò và nhiệm vụ của FED

Theo Đạo luật dự trữ Liên bang đã được chỉnh sửa và bổ sung năm 1977, vai trò và nhiệm vụ của FED là:

Vai trò

FED là tổ chức hoàn toàn độc lập và không phụ thuộc vào các bất kỳ chính sách nào của chính phủ Hoa Kỳ. Đây cũng là tổ chức duy nhất trên toàn thế giới được phép phát hành đồng đô la Mỹ USD. Do đó, FED là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc hoạch định và điều chỉnh các chính sách tiền tệ của Mỹ. Việc điều chỉnh lãi suất sẽ được quyết định thông qua các phiên họp và thay đổi lượng cung tiền qua các nghiệp vụ thị trường mở của FED có tác động rất lớn đến tình hình tài chính toàn thế giới.

Nói tóm lại, vai trò của FED chính là thực hiện những chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Mỹ.

Nhiệm vụ

Nhiệm vụ mà FED phải thực hiện rất quan trong và phức tạp. Cụ thể sẽ là:

  • Thực thi các chính sách tiền tệ của Chính phủ Mỹ nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo ổn định giá cả hàng hóa thông qua việc ban hành chính suất lãi suất phù hợp cho nền kinh tế.
  • Đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế đất nước, kiểm soát những rủi ro có khả năng xảy ra trên thị trường tài chính toàn nước Mỹ.
  • Giám sát các tổ chức ngân hàng thành viên nhằm đảm bảo sự an toàn về tính thanh khoản cho hệ thống tài chính, đồng thời chú trọng bảo vệ quyền lợi về tín dụng của người dân.
  • Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức nước ngoài, tổ chức quản lý tài sản trong nước và Chính phủ Mỹ. FED đảm nhận vai trò chi trả trong vận hành hệ thống toàn quốc gia.

Tại sao FED có thể gây tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu?

Khi nhận thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao và giá cả hàng hóa đang ở mức cao, tức là tình hình lạm phát đang trở nên nghiêm trọng, FED sẽ tiến hành kìm hãm mức tăng giá của hàng hóa nhằm ổn định lại nền kinh tế. Cách thực hiện sẽ là điều chỉnh lãi suất, cụ thể là tăng lãi suất nhằm thắt chặt lượng cung ứng tiền thông qua việc bán trái phiếu Kho bạc và tăng mức dự trữ của các ngân hàng thành viên.

Khi FED tăng lãi suất, mọi hoạt động cho vay của các doanh nghiệp và cá nhân sẽ gặp khó khăn. Không chỉ ở Mỹ mà toàn thế giới đều chịu ảnh hưởng từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của FED. 

Nền kinh tế thế giới với chính sách lãi suất của FED

Nền kinh tế thế giới với chính sách lãi suất của FED

Nền kinh tế thế giới với chính sách lãi suất của FED

Sau khi đã hiểu rõ FED là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về ảnh hưởng của các chính sách mà FED áp dụng đối với nền kinh tế Mỹ và toàn thế giới.

Vì là tổ chức tài chính – tiền tệ hàng đầu thế giới nên bất kỳ thay đổi nào trong chính sách tiền tệ của FED đều ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Khi FED tăng lãi suất

Trong hầu hết các trường hợp, việc FED tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến sự phục hồi của kinh tế Mỹ, thậm chí có thể dẫn đến sự suy thoái. Việc tăng lãi suất sẽ khiến chi phí trả nợ của doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình tăng lên cao. Điều này đã khiến người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu để trả các khoản vay, kết quả là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Không những vậy, chính sách tăng lãi suất của FED cũng làm cho tỉ giá USD so với các đồng tiền nội tệ tăng, từ đó thúc đẩy xuất khẩu nhưng gây khó khăn cho nhập khẩu.

Ngoài ra, lãi suất tăng cũng khiến các nhà đầu tư cảm thấy lo lắng và có xu hướng chuyển đầu tư về Mỹ nhằm tìm kiếm kênh đầu tư an toàn hơn để hạn chế rủi ro.

Việc FED tăng lãi suất không chỉ gây ảnh hưởng đến nước Mỹ mà nền kinh tế Việt Nam và nhiều nước khác cũng bị ảnh hưởng theo:

  • Các ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng tăng lãi suất theo khiến cho chi phí vay nợ của các doanh nghiệp và cá nhân tăng lên. Kết quả là hoạt động thương mại bị tăng trưởng chậm lại và sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu cũng suy giảm.
  • Nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ trên toàn thế giới giảm dẫn đến lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước ngoài cũng giảm theo.
  • FED tăng lãi suất khiến giá trị đồng đô la Mỹ tăng cao, kéo theo giá trị những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ trở nên đắt đỏ hơn.

Đối với nền chứng khoán Việt Nam, việc FED tăng lãi suất cũng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Việc người Mỹ thắt chặt chi tiêu tài chính đã khiến cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam giảm xuống, kết quả là các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Đối với các khoản nợ quốc tế của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, việc trả nợ cũng trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân là do tính thanh khoản của thị trường tài chính quốc tế bị siết lại, việc huy động nguồn vốn từ quốc tế cũng vì thế mà khó khăn hơn.

Khi FED hạ lãi suất

Mục đích của việc FED hạ lãi suất là để bảo vệ cho nền kinh tế Mỹ khỏi nguy cơ suy thoái trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu.

Đối với Việt Nam, việc FED cắt giảm lãi suất đã giúp mặt bằng lãi suất huy động bằng USD giảm xuống, từ đó chi phí huy động vốn của Chính phủ và các doanh nghiệp khi huy động nguồn vốn quốc tế cũng giảm theo.

Lãi suất hạ khiến cho đồng đô la Mỹ suy yếu, trong khi hàng hóa nước ta nhập từ Mỹ trở nên rẻ hơn thì hàng xuất khẩu lại thu được nhiều tiền hơn.

Tuy nhiên, việc FED hạ lãi suất cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ đang bất ổn, khó khăn. Điều này đã khiến cho nhu cầu thương mại như mua bán hàng hóa, đầu tư, du lịch,…. suy giảm. Thực tế là bất kỳ chính sách nào mà FED đưa ra cũng là để bảo vệ nền kinh tế của Mỹ. Do đó, hầu hết các chính sách này đều sẽ gây khó khăn cho các nước khác chứ ít khi đem lại lợi ích cho những nước này.

Các công cụ tiền tệ của FED

Các công cụ tiền tệ của FED
Các công cụ tiền tệ của FED

Để thực hiện các chính sách của mình, FED đã sử dụng các công cụ tiền tệ chính là:

Mua và bán trái phiếu chính phủ

Khi Cục dự trữ Liên bang FED thực hiện việc mua vào trái phiếu chính phủ từ các ngân hàng thương mại, lượng tiền của các ngân hàng này sẽ được tăng lên và khi lượng cung tiền lớn, lãi suất sẽ giảm và việc cho vay cũng  trở nên dễ dàng hơn. Mục đích thực hiện biện pháp này chính là kích thích nền kinh tế phát triển trở lại. 

Ngược lại, khi FED bán ra trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng thành viên, lượng tiền sẽ được rút ra một phần khỏi nền kinh tế. Khi lượng tiền khan hiếm, lãi suất sẽ tăng lên, khiến cho người dân thắt chặt chi tiêu. Mục đích thực hiện biện pháp này là để kìm hãm tình hình lạm phát ở mức cao của nền kinh tế.

Quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng

Cục dự trữ Liên bang FED sẽ đưa ra quy định về mức dự trữ an toàn cho các ngân hàng thành viên. Bằng cách này, FED có thể kiểm soát lượng tiền cung ứng ra thị trường. Khi FED quy định mức dự trữ bắt buộc cao, tức là FED muốn thắt chặt lượng cung tiền ra nền kinh tế, các ngân hàng thành viên sẽ phải tăng lãi suất để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận. 

Ngược lại, khi FED quy định mức dự trữ bắt buộc thấp, lượng tiền lưu thông sẽ được tăng lên. Lúc này lãi suất sẽ giảm để kích thích nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, cá nhân.

Điều chỉnh mức lãi suất chiết khấu

Khi các ngân hàng thương mại có nhu cầu vay ngắn hạn, họ sẽ vay lãi suất liên ngân hàng hoặc vay Cụ dự trữ Liên bang Mỹ (lãi suất thường sẽ thấp hơn lãi suất liên ngân hàng). Khi FED tăng lãi suất chiết khấu, các ngân hàng thành viên sẽ dè chừng hơn trong việc đi vay, đồng thời họ cũng hạn chế việc cho vay bên ngoài. Biện pháp này được FED áp dụng khi muốn thắt chặt cung ứng tiền tệ.

Ngược lại, khi FED giảm lãi suất chiết khấu nhằm kích thích nhu cầu vay tiền của các ngân hàng thành viên, những ngân hàng này sẽ tích cực cho vay bên ngoài nền kinh tế hoặc đầu tư. Bởi lẽ, nếu có nhu cầu vay trong ngắn hạn, họ có thể vay từ FED. Biện pháp này được áp dụng khi Cục dự trữ Liên bang FED muốn tăng cung ứng tiền ra thị trường.

Vậy là 3Gang đã giúp bạn hiểu được FED là gì và những ảnh hưởng của FED đối với nền kinh tế thế giới. Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn và giúp bạn hiểu rõ hơn về tình hình tài chính, kinh tế trước những thay đổi của FED.