Công cụ theo dõi lãi suất FED & cách xác định mức lãi suất FED hiện nay

Với những người quan tâm đến đầu tư tài chính, chứng khoán, FED là một cụm từ quá đỗi quen thuộc. Bởi lẽ, FED chính là một tổ chức tài chính quan trọng, chuyên ban hành các quyết định mang tính chiến lược và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán. Vậy bạn có biết công cụ theo dõi lãi suất FED là gì không? Nếu chưa rõ thì hãy cùng 3Gang đi tìm câu trả lời trong nội dung bài viết ngày hôm nay nhé.

FED là gì?

Trước khi tìm hiểu xem công cụ theo dõi lãi suất FED là gì, chúng ta cần biết rõ FED là gì?

FED là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Federal Reserve System, tức là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Ngày 23/12/1913, FED được thành lập với mục tiêu phát triển và duy trì một hệ thống tài chính linh hoạt, an toàn và ổn định. Đây là cơ quan tài chính với 7 thành viên hội đồng thống đốc và 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang nằm tại các thành phố lớn cùng với nhiều ngân hàng thành viên. 

Hiện nay, FED là tổ chức duy nhất được phép phát hành đồng USD, đơn vị tiền tệ chính thức của Mỹ và là cơ quan tài chính có quyền hoạch định hoặc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Mỹ. Do đó, việc FED thay đổi lãi suất và nguồn cung tiền gây ra ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và nhà đầu tư. 

Khái niệm lãi suất FED

Lãi suất quỹ liên bang là mức lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay qua đêm (trong khoảng thời gian một ngày) để có được số tiền bằng đúng với yêu cầu dự trữ bắt buộc của Fed.

FED Fund Rate cũng là một công cụ mà FED dùng để kiểm soát sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ và là chuẩn mực cho lãi suất thế chấp, thẻ tín dụng, vay ngân hàng và nhiều thứ khác. Đây là mức lãi suất nền tảng và bất kỳ thay đổi nào trong lãi suất FED cũng gây ra những biến động đáng kể trên thị trường tài chính, nhất là đồng đô la Mỹ.

Cách xác định mức lãi suất FED – Công cụ theo dõi lãi suất FED

Công cụ theo dõi lãi suất FED-3Gang
Công cụ theo dõi lãi suất FED

Bộ tính toán, giám sát lãi suất FED dựa vào giá cả Thị trường Kỳ hạn FED 30 ngày, đưa ra báo hiệu kỳ vọng của thị trường về khả năng thay đổi lãi suất Mỹ dựa trên chính sách tiền tệ của FED. Công cụ này cho phép người dùng tính toán được khả năng tăng lãi suất sắp tới của FED.

FED có nhiệm vụ thực hiện các chính sách tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu kinh tế vĩ mô là “gia tăng việc làm và ổn định giá cả.” Để thực hiện điều này, FED đã thành lập cơ quan hoạch định chính sách là Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).

Hàng năm, FOMC tổ chức 8 hội nghị và một số cuộc họp đột xuất nhằm xem xét các diễn biến của nền kinh tế và tài chính. Trong những cuộc hội nghị này, FOMC sẽ đưa ra quyết định về mức lãi suất FED. Quyết định điều chỉnh hay giữ nguyên lãi suất đều nhằm đáp ứng những thay đổi trong triển vọng của nền kinh tế.

Để xem những thông tin này, bạn có thể xem trên trang thông tin Lịch Forex của Admirals (tab Analytics trên trang Admirals). Tại đây, bạn có thể sử dụng nút bộ lọc để theo dõi các sự kiện kinh tế của một quốc gia nào đó. Để xem thời gian đưa ra quyết định lãi suất FED của Mỹ, bạn chọn Hoa Kỳ và ảnh hưởng lớn sẽ được biểu thị bằng ba chấm đỏ. Từ đây, bạn có thể xem tất cả các thông tin có tác động lớn đến Mỹ, thời giẩn quyết định lãi suất, ngày tháng, lãi suất trước đó.

Gần thời điểm phát hành, Lịch Forex sẽ cập nhật các dự báo về thị trường theo như phân tích của các chuyên gia kinh tế. Tại thời điểm phát hành, con số lãi suất FED “thực tế” sẽ được cập nhật.

  • Nếu số liệu thực tế lớn hơn số liệu trước đó hoặc số liệu dự báo → FED sẽ tăng lãi suất, kết quả là đồng đô la tăng giá, tùy vào dự đoán của thị trường.
  • Nếu số liệu thực tế nhỏ hơn số liệu trước đó hoặc số liệu dự báo → FED sẽ hạ lãi suất, kết quả là đồng đô la Mỹ bị giảm giá trị, tùy vào dự đoán của thị trường.

Trong giai đoạn này, sự biến động của thị trường sẽ dựa vào dự đoán hoặc kỳ vọng về một kết quả cụ thể. Những tổ chức lớn sẽ bắt đầu điều chỉnh vị thế cũng như danh mục đầu tư của mình nếu kết quả này có khả năng cao hơn kết quả khác. Cũng tại thời điểm công bố số liệu thực tế, bất kỳ động thái nào cũng đều phản ánh phản ứng của thị trường.

Căn cứ để FED điều chỉnh lãi suất

Căn cứ để điều chỉnh lãi suất FED 3 Gang
Căn cứ để điều chỉnh lãi suất FED

Chức năng của FED chính là thúc đẩy việc làm và ổn định giá cơ nên yếu tố lạm phát và việc làm là hai yếu tố tác động lớn đến quyết định điều chỉnh lãi suất FED. 

Nếu lạm phát thấp và tỉ lệ thất nghiệp cao, FED thường hạ mức lãi suất xuống thấp. Mục đích của việc này là để kích thích cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại theo hướng tích cực. Cụ thể, khi nền kinh tế đi xuống, FED sẽ hạ lãi suất quỹ dự trữ để bơm tiền cho các ngân hàng thương mại. Việc hạ lãi suất này sẽ kích thích chi tiêu quốc dân và các hoạt động tín dụng, góp phần thúc đẩy sự gia tăng sản xuất, tăng trưởng GDP và giải quyết vấn đề việc làm. 

Do đó, căn cứ vào các số liệu về việc làm và lạm phát được công bố, giới tài chính sẽ phần nào đoán được xu hướng điều chỉnh của lãi suất FED trong thời gian tới.

Ảnh hưởng của việc tăng lãi suất FED đến thị trường chứng khoán Việt Nam

Ảnh hưởng của việc tăng lãi suất FED đến thị trường chứng khoán Việt Nam
Ảnh hưởng của việc tăng lãi suất FED đến thị trường chứng khoán Việt Nam

Khi FED tăng lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực, đó là:

  • Thứ nhất, tình hình tài chính toàn cầu siết chặt hơn đã làm giảm triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Từ đó, nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ thấp hơn. 
  • Thứ hai, lãi suất huy động bằng đồng VND sẽ chịu áp lực tăng trong khoảng thời gian những tháng cuối năm.
  • Thứ ba, lãi suất USD tăng lên sẽ gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam. Tính thanh khoản của thị trường tài chính quốc tế tiếp tục thắt chặt sẽ khiến Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam khó huy động nguồn vốn trên thị trường quốc tế, đồng thời phải chịu lãi suất cao hơn.
  • Thứ tư, về mặt lý thuyết, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể sẽ chịu những tác động tiêu cực bởi “taper tantrum”. Đây là kế hoạch rút dần khỏi nền kinh tế bằng việc cắt giảm lượng trái phiếu mà FED đã mua vào một cách từ từ trong một khoảng thời gian dài. Điều này đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh.
  • Thứ năm, đồng USD mạnh đã gây ra áp lực lên tỷ giá hối đoái của đồng VND. Đồng USD mạnh kéo theo tỷ giá USD/VND tăng lên. Tuy nhiên, so với các đồng tiền khác thì đồng VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo như nhiều báo cáo thì những yếu tố giữ cho đồng VND duy trì sự ổn định trong những năm gần đây chính là dự trữ ngoại hối tăng cao và thặng dư thương mại được cải thiện.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính thì thị trường chứng khoán Mỹ trong trung và dài hạn của sẽ chịu áp lực khi chính sách tiền tệ thắt chặt và sẽ làm giảm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế. Theo đó, chứng khoán Việt Nam cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng tương tự như vậy trong thời gian trung và dài hạn. Do đó, các nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng trong những phiên giao dịch tiếp theo.

Trên đây là một số thông tin về lãi suất FED và công cụ theo dõi lãi suất FED mà 3Gang muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp cho bạn đầu tư tài chính hiệu quả, linh hoạt, giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận tốt hơn. Để xem thêm nhiều thông tin hữu ích về thị trường tài chính, các bạn nhớ thường xuyên ghé thăm website của 3Gang bạn nhé.