Cuốn sách Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki được coi như một kim chỉ nam giúp con người có cái nhìn mới lạ về cuộc sống và chính bản thân mình. Vậy cụ thể kim tứ đồ mà tác giả cuốn sách nhắc đến là gì, mời bạn đọc theo dõi bài viết này của 3Gang để nắm được thông tin ngay nhé!
1. Kim tứ đồ là gì?
Kim tứ đồ là thuật ngữ mà Robert Kiyosaki đặt tên cho mô hình về tiền trên thế giới cũng như cách mà mọi người kiếm tiền như thế nào.
Khái niệm kim tứ đồ thường xuyên được Robert Kiyosaki nhắc đến trong các bài giảng về nguồn thu nhập thụ động và cách nắm bắt các cơ hội đầu tư. Trong kim tứ đồ, Robert Kiyosaki sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi sau đây:
- Tôi là ai trong kim tứ đồ?
- Tôi phải kiếm tiền bằng cách nào trong mô hình này?
- Tôi phải gia nhập nhóm nào để có thể tự do về tiền bạc?
Có thể nói rằng kim tứ đồ có thể giúp bạn thay đổi tư duy kiếm tiền, tiếp thêm sự tích cực trong suy nghĩ và định hướng cho bạn con đường đúng đắn.
2. Bạn là ai trong kim tứ đồ?
Mô hình kim tứ đồ của Robert Kiyosaki được chia thành 4 nhóm người, mỗi ô vuông sẽ là một nhóm người cụ thể và các chữ cái sẽ thể hiện cách mà nhóm người đó kiếm tiền như thế nào.
- E (Employee): Đây là nhóm người làm việc cho người khác, nhóm này chiếm đa số. Ví dụ điển hình như là các bác sĩ, giáo viên, nhân viên văn phòng, luật sư hay kỹ sư,…
- S (Self – employed / Small business owner): Đây là nhóm người làm tư nhân hoặc sở hữu doanh nghiệp nhỏ, nhóm người có công việc riêng và đã trở thành chủ. Ví dụ như người mở quán bán đồ ăn sáng, luật sư mở văn phòng riêng hoặc bác sĩ mở phòng khám riêng,…
- B (Business owner): Đây là nhóm các chủ doanh nghiệp, nhóm người có hệ thống kiếm tiền, họ sở hữu và quản lý một hệ thống và con người. Ví dụ như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Vingroup hay Tập đoàn Hòa Phát,…
- I (Investor): Đây là nhóm các nhà đầu tư dùng tiền đầu tư để có thể nhận về một khoản tiền lớn hơn. Nhóm này sẽ sử dụng tiền của họ để làm việc thay họ, giúp tiền sinh ra tiền. Ví dụ: Đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản hoặc đầu tư vàng,…
Trong mô hình này, ông Kiyosaki cho rằng nhóm người ở cột E và S sẽ không thể giàu thực sự. Trong khi đó, nhóm người ở cột B và I đang đi theo đúng con đường dẫn tới sự độc lập về tài chính.
Mỗi người trong chúng ta đều thuộc ít nhất 1 trong 4 nhóm này. Bạn tồn tại ở nhóm nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc cách mà bạn đang kiếm tiền. Khi nhìn vào mô hình minh họa trên, bạn có thể dễ dàng xác định được mình đang ở nhóm nào, từ đó hãy vạch ra con đường mới để sớm đạt được mục tiêu về tự do tài chính, bạn nhé!
3. Tìm hiểu chi tiết về 4 nhóm người trong kim tứ đồ
3.1 Người làm công, làm thuê
Phần lớn mọi người thường có định kiến về nhóm người này và cho rằng: Có làm cả đời cũng không thể giàu được.
Nhưng một thực tế cho thấy hiện đa số người Việt Nam thích làm công, làm thuê hoặc là làm công chức nhà nước vì muốn có việc nhàn và yên ổn về tài chính.
Nhóm người làm công, làm thuê nếu biết cách khai thác công sức, thời gian và kỹ năng thì hoàn toàn có thể kiếm được mức lương cao kèm theo rất nhiều ưu đãi khác. Cộng thêm việc kết hợp với quản trị tài chính cá nhân đúng đắn thì nhóm người này sẽ “dư dả” tài sản và có thể sánh ngang bằng với những người giàu.
Tất nhiên để giàu như những doanh nhân và những nhà đầu tư thành công là điều rất khó, nhưng thay vào đó thì rủi ro mất tài sản của người làm thuê chuyên nghiệp cũng ở mức thấp nhất trong kim tứ đồ. Họ đã lựa chọn cho bản thân một cuộc sống ổn định, không quá giàu có và cũng không cần phải học hỏi quá nhiều hay là đối diện với những thử thách về tài chính.
3.2 Người làm việc tự do hoặc tự làm chủ
Người làm việc tự do (freelancer) cũng tương đồng với tự làm chủ (self-employed).
Nhóm thứ 2 trong Kim tứ đồ cũng đang dùng công sức, thời gian và kỹ năng để làm ra tiền như nhóm 1. Tuy nhiên sự khác biệt lớn so với nhóm 1 đó là nhóm 2 không làm thuê cho người khác mà họ lựa chọn làm việc cho chính bản thân.
Chính vì vậy mà họ được tự do hơn về thời gian, được làm những điều họ muốn theo cách thức họ tự đặt ra chứ hoàn toàn không bị áp đặt theo quy chuẩn nào.
Tuy nhiên, muốn kiếm được tiền thì bạn phải cung cấp được những sản phẩm, dịch vụ tốt cho xã hội. Nếu có khách hàng, bạn gần như được hưởng trọn thù lao, nhưng ngược lại nếu không có khách hàng thì bạn sẽ không có thu nhập và áp lực tiền bạc lúc này sẽ cao hơn nhóm làm thuê.
Do đặc điểm thu nhập bấp bênh, không ổn định nên ít ai chọn nghề làm việc tự do để làm công việc chính. Nhiều người vẫn lựa chọn đi làm thuê để có thu nhập ổn định và họ chỉ coi nghề làm việc tự do là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Những người có tầm nhìn xa hơn có thể chọn nghề tự do như một bước đệm cho việc thành lập doanh nghiệp.
3.3 Làm chủ doanh nghiệp, doanh nhân
Doanh nhân là nhóm người được mọi người ngưỡng mộ nhất trong Kim tứ đồ bởi họ đóng góp công ăn việc làm và kinh tế cho xã hội.
Hiện có khá ít người Việt Nam dám lựa chọn con đường chủ doanh nghiệp, phần vì họ sợ thất bại, mất đi những thứ đang có, phần vì họ không dám thoát khỏi vùng an toàn (comfort zone). Kỳ lạ thay, những người càng có kinh nghiệm quản lý cấp cao lại càng sợ trở thành doanh nhân, có lẽ bởi họ hiểu được những khắc nghiệt của thương trường.
Trái lại, các bạn trẻ với khá ít kinh nghiệm lại được khuyến khích khởi nghiệp, đây gọi là trào lưu startup để trở thành doanh nhân.
Việc trở thành một doanh nhân có thể kiếm ra lợi nhuận là điều không hề đơn giản như những gì mọi người thường nghĩ, họ cần phải có nhiều yếu tố hơn những nhóm còn lại trong Kim tứ đồ bao gồm: ý tưởng, hệ thống, con người, vốn và cả KASH.
Quá trình khởi nghiệp và trở thành doanh nhân đòi hỏi mỗi người không được phép ngừng học hỏi và nâng cấp bản thân về mọi mặt, ví dụ kỹ năng như quản trị bản thân, quản trị cảm xúc, quản lý tài chính cá nhân và xây dựng mối quan hệ…
3.4. Nhà đầu tư chuyên nghiệp
Họ có thể là các cá nhân độc lập hoặc họ hợp thành một tổ chức như các công ty quản lý quỹ hay các quỹ đầu tư mạo hiểm,…
Điều họ làm là khiến tiền sinh ra tiền bằng cách đầu tư vào các loại tài sản có tiềm năng tăng giá trong tương lai như là bất động sản, chứng khoán, vàng, bitcoin, hợp đồng chênh lệch giá (CFD),…
Các kênh đầu tư của họ thường có tỷ suất lợi nhuận từ trung bình đến cao, bởi vậy để kiểm soát rủi ro thì họ phải luôn cập nhật thông tin về thị trường và cũng không thể thiếu KASH- yếu tố then chốt dẫn đến thành công. Quan niệm của các nhà đầu tư thường là rủi ro đi kèm với lợi nhuận và lợi nhuận càng cao thì rủi ro kèm theo nó cũng sẽ cao.
Rất ít các nhà đầu tư cá nhân và kể cả các quỹ đầu tư kiếm được lợi nhuận đều đặn. Thực tế sẽ có lúc có lợi nhuận và có lúc thì thua lỗ. Nhà đầu tư giỏi thì cần phải đa dạng danh mục đầu tư để có thể giảm thiểu tối đa rủi ro.
Đây được đánh giá là nhóm có thể làm giàu nhanh nhất trong Kim tứ đồ và cũng là nhóm chịu rủi ro cao nhất.
4. Bạn muốn trở thành ai trong Kim tứ đồ?
Quay trở lại với câu chuyện Kim tứ đồ, 2 nhóm nằm bên tay trái thường sẽ kiếm được ít tiền hơn so với 2 nhóm nằm bên tay phải. Tuy nhiên thì không phải cứ thuộc nhóm 1 hoặc 2 là sẽ kiếm ít tiền, chúng tôi sẽ đưa ra ví dụ dưới đây để bạn có thể hình dung:
Nhân viên của Công ty Cổ phần Thế giới di động (mã chứng khoán: MWG) vừa được hưởng lương thưởng và cộng thêm có quyền mua cổ phiếu ưu đãi được phát hành cho người lao động, tức là họ đã trở thành cổ đông và nắm giữ tài sản có khả năng sinh lời từ cổ tức cũng như thị giá trên sàn chứng khoán.
Năm 2018, MWG cho ra kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 3% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành với mức giá chào bán rất ưu đãi chỉ với 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó giá cổ phiếu trên thị trường thời điểm lúc bấy giờ là 87.000 đồng/cổ phiếu!
Nhân viên của MWG có thể mua được cổ phiếu công ty với giá rẻ hơn 8 lần so với giá thị trường của nó, tất nhiên là phải đi kèm với một số điều kiện nếu muốn bán cổ phiếu.
Nhiều công ty cũng đã và đang dự kiến phát hành thêm ESOP như Digiworld (DGW), Thiết bị điện Việt Nam (GEX) hay Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), v.v.
Bởi vậy, không quan trọng bạn thuộc nhóm người nào trong Kim tứ đồ, điều quan trọng là bạn có đủ năng lực để kiếm nhiều tiền hay không thôi.
Vì vậy nên quan điểm của Kiyosaki chỉ có tính tương đối. Ông cho rằng chỉ có những người có tư duy nằm trong nhóm 3 hoặc 4 mới có thể giàu có và độc lập tài chính. Thực tế, nếu bạn thuộc nhóm 1 và 2 nhưng bạn không ngừng học tập và có quan điểm đúng đắn về quản lý tài chính thì bạn cũng hoàn toàn có thể định hướng và xây dựng được cuộc sống tốt hơn cũng như làm chủ được tài chính của bản thân.
Những người thuộc nhóm 3 hoặc 4 sẽ tìm đến đích độc lập tài chính nhanh hơn, nhưng họ cũng sẽ phải chịu nhiều rủi ro hơn.
Trong cuốn sách Dạy con làm giàu với nội dung viết về những bài học khác nhau do hai người bố dạy lại cho tác giả về vấn đề tiền bạc và sự lựa chọn cách sống trong đời. Một người chính là bố ruột và người kia là bố người bạn thân nhất của tác giả Kiyosaki. Một người có học vấn rất cao trong khi người kia chỉ có thể học tới trung học. Một người thì nghèo và người kia lại rất giàu. Cứ mỗi khi người ta hỏi, “Cháu sẽ muốn trở thành ai khi cháu trưởng thành?” thì người bố nghèo thường nói “Hãy đi đến trường ráng học giỏi và tìm một công việc có sự ổn định an toàn”. Người bố nghèo mong muốn người con trở thành một nhân viên thuộc nhóm L có mức lương cao, hoặc là một chuyên gia làm tư như bác sĩ, luật sư hoặc kế toán. Người bố nghèo của tác giả luôn hướng về một công việc đều đặn, nhiều phúc lợi và có thể đảm bảo công việc. Trong khi đó người bố giàu có nhưng trình độ học thức không cao lại đưa ra một lời khuyên khác hẳn, ông nói “ Hãy đi đến trường, tốt nghiệp đại học và sau đó tự kinh doanh rồi trở thành một nhà đầu tư thành công”.
5. Tìm hiểu về cuốn sách Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki
Đây là cuốn sách được coi như kim chỉ nam cho sự độc lập tài chính. Có 5 bài học quý báu mà ta có thể rút ra được từ Kim tứ đồ của tác giả Kiyosaki. Cụ thể như sau:
– Những người giàu sẽ không làm việc vì tiền: Trong sách, ông đã khẳng định: “Những người nghèo và trung lưu sẽ làm việc để kiếm tiền, những người giàu lại bắt đồng tiền làm việc cho họ”.
– Nhất định bạn phải có sự hiểu biết về tài chính: Hiểu rõ về tài sản và tiêu sản, mặc dù kiến thức này đơn giản nhưng hầu hết các trường lớp lại không đào tạo điều này.
– Hãy tự mình kinh doanh: Người nghèo thường sẽ dành hết thời gian của mình để học và làm việc phục vụ cho người khác. Tuy nhiên thì người giàu lại làm việc cho chính mình.
– Sức mạnh của tri thức: Cơ hội sẽ chia đều cho mỗi người và tất nhiên không phải ai cũng biết nắm lấy cơ hội đó. Tri thức là công cụ duy nhất có thể giúp bạn luôn biết chớp lấy thời cơ để có thể dành lấy nhiều sự lựa chọn hơn.
– Làm để học hỏi chứ không làm vì tiền bạc: Hãy lựa chọn một công việc giúp bạn học hỏi được nhiều hơn so với số tiền bạn kiếm được. Nếu muốn nhanh giàu, bạn hãy làm việc để học hỏi nhiều hơn.
6. Tại sao Kim tứ đồ lại chia thành 4 nhóm người?
Khi cần tiền, người thuộc nhóm E sẽ đi kiếm một công việc ngay lập tức mà không cần suy nghĩ, trong khi người thuộc nhóm S lại muốn tự mình kiếm tiền bằng chính công sức bản thân. Người thuộc nhóm B sẽ tạo ra hoặc mua một hệ thống kinh doanh làm ra tiền, và người thuộc nhóm I sẽ lựa chọn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một tài sản tạo ra tiền.
Hiển nhiên việc phân chia thành 4 nhóm khác nhau bởi họ có cách kiếm tiền khác nhau.
Vậy cụ thể tại sao họ lại có cách kiếm tiền khác nhau như vậy? Điều gì đã ảnh hưởng, quyết định đến cách kiếm tiền của họ?
Chính quan điểm về giá trị, mối quan tâm, suy nghĩ, niềm tin, sở thích và thói quen,… khác nhau, đặc biệt phải kể đến cách cư xử khác nhau trước nỗi sợ, sự thất bại, sự mất mát tiền bạc đã tạo nên cách kiếm tiền khác nhau, từ đó mà tạo nên 4 nhóm người khác nhau.
- Nhóm E luôn hướng đến một sự bảo đảm an toàn về công việc, thu nhập cũng như các điều kiện phúc lợi. Khi phải đối mặt với nỗi sợ thất bại hay có rủi ro về tiền bạc, họ đều không muốn chấp nhận rủi ro hoặc họ chưa biết cách để quản trị rủi ro, vậy nên họ chọn giải pháp an toàn, bảo đảm cho bản thân.
- Nhóm S có sự độc lập trong suy nghĩ, tự do trong cách làm, vì vậy họ sẽ tìm đến một sự độc lập trong công việc. Trên hết là họ không muốn thu nhập của bản thân bị phụ thuộc vào bất kỳ ai, vậy nên họ tự doanh, tự làm cho bản thân mình hoặc là thuê thêm nhân viên vào làm chung với mình.
- Nhóm B sẽ quan tâm nhiều đến việc xây dựng hệ thống kinh doanh để làm việc cho mình, họ thành lập doanh nghiệp và hệ thống kinh doanh để người khác làm việc và tạo ra lợi nhuận cho mình.
- Nhóm I thì lại hứng thú với rủi ro bởi với họ “rủi ro là nguồn gốc của lợi nhuận”, họ khéo léo và khôn ngoan trong cách đầu tư và quản trị rủi ro.
Từ 4 cách kiếm tiền khác nhau đã tạo thành 4 nhóm người khác nhau và mỗi nhóm sẽ có một mối quan hệ khác nhau đối với những doanh nghiệp (hay hệ thống kinh doanh).
- Người thuộc nhóm E làm việc cho hệ thống, doanh nghiệp.
- Người thuộc nhóm S thì tự bản thân đã là hệ thống (doanh nghiệp), hoặc là một phần của hệ thống.
- Người thuộc nhóm B tạo ra hoặc sở hữu hệ thống, doanh nghiệp.Người thuộc nhóm I thì đầu tư tiền bạc vào doanh nghiệp.
7. Một số sai lầm thường gặp trong quá trình “nhảy nhóm”
Dưới đây, 3Gang muốn nhắc nhở bạn một số sai lầm mà bạn đọc có thể mắc phải trong quá trình ” nhảy nhóm”, hãy theo dõi nội dung sau đây để tránh mắc phải những sai lầm không đáng có, bạn nhé:
(1) Nhóm E không dám “nhảy” sang Nhóm S, B hay I do nỗi sợ thất bại, nỗi sợ rủi ro quá lớn.
Đây là thất bại nằm ngay trong suy nghĩ của bạn, khi bạn đã thua từ ngay trong suy nghĩ thì thật khó để có thể tìm ra lý do cho việc bạn không thể thành công.
(2) Có người sau khi hiểu về Kim tứ đồ nên đã vội vàng “nhảy nhóm” mà không màng đến các yêu cầu cần thiết trước khi “nhảy nhóm” là gì. Việc này sẽ rất dễ dẫn đến thất bại trong khi chuyển nhóm.
(3) Có ý kiến cho rằng, vì mỗi người có một suy nghĩ, tính cách, nghề nghiệp, chuyên môn,…vậy nên mỗi người thường chỉ thích hợp với 1 nhóm.
Sự thật không phải như vậy, trên thực tế đã có rất nhiều người thành công khi ở 2, 3 thậm chí là cả 4 nhóm. Bởi vì các yếu tố về suy nghĩ, tính cách, chuyên môn hoàn toàn có thể được học tập, trau dồi và rèn luyện.
(4) “Ở Nhóm B và I thì sẽ thành công về mặt tài chính”. Điều này không hẳn đúng bởi thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp thuộc nhóm B và I vẫn có thể gặp phải thất bại và trở về số 0, thậm chí là con số âm.
Việc ở một nhóm nào đó sẽ không quyết định thành công về tài chính mà nó chỉ đem lại cơ hội thành công về tài chính. Việc thành công hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
(5) Đôi khi có sự so sánh rằng “Ở nhóm này sẽ tốt hơn nhóm kia”, “Nhóm này quan trọng hơn nhóm kia”, “Ở nhóm này sẽ … hơn nhóm kia”,…
Sự thật thì không phải vậy. Ở một nhóm bất kỳ không hẳn là sẽ tốt hơn hay quan trọng hơn nhóm khác. Bởi vì mỗi nhóm đều mang những ý nghĩa nhất định và đều có những đóng góp giá trị nhất định cho nền kinh tế và xã hội.
Nền kinh tế luôn cần phải có đủ 4 nhóm người trên Kim tứ đồ.
Để có thể trở nên giàu có và tự do về tài chính hơn, mỗi người đều cần tìm cách nâng cao năng lực, mục tiêu của mình và hãy đặt mình vào ít nhất 2 nhóm trên Kim tứ đồ.
8. Một số yêu cầu cần thiết mà bạn cần nắm được trước khi “ nhảy nhóm”
Dưới đây là một số yêu cầu bạn cần thực hiện trước khi đưa ra quyết định chuyển nhóm mà 3 Gang đã tổng hợp lại:
Không phải hành động của bạn cần thay đổi, mà trước tiên hãy thay đổi cách suy nghĩ của chính mình.
Ở phần trên chúng ta đã phân tích, nguồn gốc của 4 nhóm người khác nhau là bởi vì quan điểm, suy nghĩ, niềm tin, tính cách, sở thích,… của mỗi người là khác nhau.
Chính những điểm nằm “sâu bên trong con người” đó đã quyết định việc một người sẽ chọn cách kiếm tiền như thế nào.
Robert Kiyosaki gọi đó là “giá trị gốc rễ”, nên khi bạn muốn “di cư” sang một nhóm nào đó và hơn hết là trụ lại và kiếm tiền từ nhóm đó thì trước tiên, bạn cần tìm hiểu, làm quen và thích nghi với những “giá trị gốc rễ” của nhóm mình hướng tới.
Hay nói cách khác đi thì chính là thay đổi suy nghĩ, thay đổi thói quen, rèn luyện thái độ, cá tính sao cho phù hợp với nhóm mà bạn cần đến. Sau đó, bạn cần học tập những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần có của nhóm đó.
Sau cùng mới kể đến những hành động cụ thể để đạt đến nhóm mà bạn mong muốn.
Cũng vì điều này mà Robert Kiyosaki đã gọi việc “di cư” từ nhóm này sang nhóm khác là một cuộc “cách mạng”, việc làm đó sẽ giúp thay đổi mọi thứ, từ suy nghĩ đến hành động, từ trong ra ngoài, nó giống như việc con người ta “thay da đổi thịt”.
Việc di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác là cả một quá trình chứ không phải là hành động trong ngày 1 ngày 2.
Kim tứ đồ đã đưa ra lời khuyên cho chúng ta rằng, từ trong suy nghĩ, bạn hãy:
- Hãy chọn tự do thay vì lựa chọn ổn định và an toàn.
- Hãy học cách quản lý rủi ro thay vì việc né tránh rủi ro.
- Hãy tự hỏi “Làm thế nào để tôi mua nổi nó?” thay vì chỉ nói “Tôi không mua nổi nó”
- Hãy nghĩ “Thứ đó trị giá bao nhiêu về dài hạn?” thay vì nghĩ “Thứ đó quá đắt tiền”
Việc tìm “nơi trú ngụ” trên Kim tứ đồ có thể được tóm tắt ngắn gọn trong 6 bước sau đây:
Bước 1: Vượt qua nỗi sợ thất bại và nỗi sợ rủi ro.
Bước 2: Chấp nhận thay đổi bản thân và xây dựng niềm tin.
Bước 3: Tìm hiểu, làm quen và thích nghi với những “giá trị gốc rễ” của nhóm mà bạn hướng đến.
Bước 4: Xác định sở trường và đam mê của bản thân để có thể phát huy triệt để.
Bước 5: Học hỏi đầy đủ từ kiến thức, kỹ năng, thái độ đến chuyên môn cần thiết để tương thích với nhóm mình hướng đến.
Ví dụ như Nhóm B và I thường sẽ cần có những kỹ năng chuyên môn về cách quản trị, kỹ năng lãnh đạo, sự hiểu biết về tiền bạc, cách quản trị rủi ro, phân tích thị trường, cách gọi vốn, cách sắp xếp nợ và cách điều chỉnh giá bán,…
Bước 6: Hành động thực tế.
Không phải cứ thuộc nhóm 1 hay nhóm 2 là bạn sẽ kiếm được ít tiền mà điều đó còn phụ thuộc vào khả năng của bạn đến đâu. Vì vậy, dù cho bạn đang ở nhóm người nào đi chăng nữa thì miễn là bạn làm những điều có giá trị và ý nghĩa đối với bản thân cũng như xã hội, cộng thêm việc bạn có những quan điểm đúng đắn về quản lý tài chính thì bạn cũng đã thành công được một phần rồi.
Nếu bạn muốn thật sự thành công và độc lập tài chính thì bạn cần phải nỗ lực nâng cao trình độ hơn nữa và hãy tự đặt mình vào 2 đến 4 nhóm trên kim tứ đồ để kiếm tiền. Bạn có quyền được lựa chọn nhóm của mình chứ không có một nguyên tắc bắt buộc là bạn phải ở nhóm nào cả.
Ví dụ:
- Người bác sĩ nếu lựa chọn làm việc ở bệnh viện và nhận lương hàng tháng thì bác sĩ đó sẽ thuộc nhóm 1.
- Nếu họ tự mở thêm phòng khám riêng thì bác sĩ đó thuộc nhóm 2.
- Nếu họ có thể xây dựng và mở bệnh viện riêng thì họ thuộc nhóm 3.
- Nếu bác sĩ đó tham gia vào đầu tư, cổ phiếu, bất động sản, bitcoin…thì thuộc nhóm 4.
Trên đây là những thông tin mà 3Gang tổng hợp lại để giải đáp thắc mắc của bạn đọc về mô hình kim tứ đồ. Để độc lập tài chính, bạn hãy xác định rõ mình là ai? Mình đang ở đâu? Mình cần làm những gì lúc này? Mỗi người đều có thời gian và bộ não giống như nhau, hãy thay đổi tư duy sớm để có thể trở thành người giàu bạn nhé. 3Gang chúc bạn thành công trên con đường phát triển sự nghiệp. Mọi thắc mắc cần giải đáp, mời bạn phản hồi để được 3Gang hỗ trợ kịp thời!