Suy thoái kinh tế luôn là vấn đề gây nhức nhối đối với Chính phủ mỗi quốc gia. Suy thoái kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn thế giới: từ mất giá đồng tiền, thương mại toàn cầu tụt dốc, giảm giá thành nguyên vật liệu thô, đến vận tải biển trì trệ, thị trường chứng khoán tuột dốc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, … Vậy suy thoái kinh tế là gì và làm sao có thể nhận biết được những dấu hiệu của một giai đoạn suy thoái kinh tế sắp xảy đến? Hãy cùng 3Gang theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.
1. Khái niệm Suy thoái kinh tế
Suy thoái kinh tế hay Recession/Economic Depression trong Tiếng Anh là sự suy giảm đáng kể tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay các hoạt động kinh tế của một quốc gia trong một khoảng thời gian kéo dài.
Theo kinh tế học vĩ mô định nghĩa, suy thoái kinh tế là sự sụt giảm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực trong khoảng thời gian liên tiếp từ hai quý trở lên trong một năm, tương ứng với tốc độ tăng trưởng âm từ hai quý liên tiếp. Tuy nhiên, định nghĩa này không được sử dụng phổ biến.
Nếu suy thoái kinh tế diễn ra ở mức độ nghiêm trọng và lâu dài sẽ biến thành khủng hoảng kinh tế dẫn đến sự sụp đổ kinh tế.
Nền kinh tế thị trường có đặc điểm là tăng giảm theo chu kỳ, sự suy giảm các hoạt động kinh tế thường sẽ không xảy ra. Đã xuất hiện nhiều tranh luận xoay quanh việc khuếch đại chu kỳ kinh tế, để Chính phủ can thiệp vào điều hòa kinh tế hay thậm chí là tự tạo ra chu kỳ kinh tế.
>> Gợi ý: https://3gang.vn/dau-tu-chung-khoan-dai-han/
2. Dấu hiệu nhận biết chu kỳ suy thoái kinh tế
Một chu kỳ kinh tế sẽ trải qua ba thời kỳ: phục hồi, hưng thịnh và suy thoái.
Vậy đâu là dấu hiệu để nhận biết suy thoái kinh tế?
Thứ nhất, Lãi suất trái phiếu có sự thay đổi
Việc theo dõi đường cong lãi suất trái phiếu (yield curve) được xem là tín hiệu để nhận biết cuộc suy thoái, vì nó phản ánh tác động của thị trường đối với nền kinh tế.
Thông thường, lãi suất dài hạn sẽ cao hơn lãi suất ngắn hạn, nhưng khi lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn thì đường cong lãi suất sẽ bị đảo ngược. Điều đó đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế âm.
Lạm phát được xem là nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này. Khi lạm phát gia tăng, lượng trái phiếu mua vào nhiều hơn với mục đích lấy lãi suất bù đắp cho khoản mất giá.
*Lưu ý: Đường cong lãi suất trái phiếu là đường biểu thị các mức lãi suất khác nhau đối với các khoản vay có giá trị như nhau nhưng khác kỳ hạn.
Thứ hai, tín dụng bị thắt chặt
Nhận thấy suy thoái sắp xảy ra với những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai, các ngân hàng sẽ thắt chặt các chính sách cho vay, khiến cho việc vay vốn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. kinh tế theo đó sẽ theo chiều hướng đi xuống rõ rệt.
Thứ ba, tâm lý nhà đầu tư bất ổn
Chính sự bất ổn từ xã hội, chiến tranh và giá cả nguyên vật liệu leo thang là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư dè dặt trong việc góp vốn, mất niềm tin vào kinh tế toàn cầu. Suy thoái sẽ dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu nguồn vốn, về lâu dài sẽ gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và nhu cầu sử dụng lao động của các tổ chức.
Thứ tư, sự gia tăng các khoản nợ xấu
Lạm phát tăng dẫn đến nguy cơ gia tăng nợ xấu khi mức lương thấp, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp xảy ra tràn lan. Không chỉ cá nhân đi vay mà ngay cả Chính phủ nếu thiếu ngân sách chi cho quốc gia cũng phải đi vay các nước khác. Nếu tình trạng này kéo dài, nền kinh tế quốc gia không có chuyển biến tích cực thì chắc chắn suy thoái sẽ là kết cục không thể tránh khỏi.
>> Xem thêm: https://3gang.vn/co-phai-dong-do-la-my-manh-tro-lai/
Thứ năm, thị trường lao động có sự biến động rõ ràng
Nếu số lượng người hưởng trợ cấp thất nghiệp cao, điều đó cho thấy tình hình nền kinh tế đang không mấy khả quan. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ tiến hành thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc bị phá sản giải thể, dẫn đến việc tái cơ cấu nguồn lao động, phải cắt giảm bớt nhân sự. Đây cũng chính là dấu hiệu mầm mống cho thấy một cuộc suy thoái sắp diễn ra.
Cùng với đó, dữ liệu tiền lương tháng sẽ thể hiện rõ ràng tình hình của thị trường lao động. Khi tiền lương thấp thì họ cũng chi ít hơn, tăng trưởng kinh tế cũng theo đó giảm đi.
3. Nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế
Có rất nhiều quan điểm khác nhau bàn về nguyên nhân dẫn tới suy thoái kinh tế, ví dụ như:
Theo quan điểm của các nhà khoa học thuộc trường phái kinh tế Áo: căn nguyên của vấn đề này xuất phát từ lạm phát, giá cả leo thang khiến đồng tiền bị mất giá. Đây là cơ chế hoạt động tự nhiên của thị trường nhằm điều chỉnh lại nguồn lực bị sử dụng không hiệu quả trong giai đoạn tăng trưởng.
Hay theo như quan điểm của những nhà kinh tế học thuộc chủ nghĩa Keynes và lý thuyết chu kỳ kinh tế thực thì cho rằng chính những yếu tố như: giá cả, thiên tai, thời tiết, dịch bệnh, chiến tranh… đã tác động đến nền kinh tế gây ra suy thoái.
Ngoài ra, những nhà kinh tế học theo học thuyết tiền tệ thì nhận định suy thoái có nguyên nhân chính từ sự quản lý yếu kém của Chính phủ. Việc thay đổi cơ cấu kinh tế được xem là yếu tố phụ, làm cho việc suy thoái trở nên trầm trọng hơn.
4. Tác động của suy thoái kinh tế
Suy thoái kinh tế sẽ mang đến những hậu quả nghiêm trọng như sau:
Thương mại toàn cầu tụt giảm: Khi cung cầu giảm sút thì tiêu dùng cá nhân, đầu tư và các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hay tình hình xuất nhập khẩu nguyên vật liệu và các hàng hóa cơ bản cũng theo đó giảm sút;
Đồng tiền bị mất giá: Lạm phát gia tăng là nguyên nhân khiến đồng tiền bị mất giá trầm trọng, dẫn đến khủng hoảng kinh tế không chỉ ở 1 quốc gia mà còn nhiều quốc gia khác thông qua hoạt động xuất nhập khẩu;
Giá cả hàng hóa và nguyên vật liệu thô giảm: đặc biệt là giá dầu giảm mạnh;
Vận tải biển bị trì trệ: phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu trên thế giới đều vận chuyển thông qua đường biển, khi kinh tế gặp khủng hoảng, giao thương ùn tắc, hàng hóa khan hiếm trở nên đắt đỏ, các hợp đồng đền bù thua lỗ vì thế cũng nhiều lên;
Thị trường chứng khoán tuột dốc mạnh bởi chính các chỉ số trên sàn giao dịch cũng phản ánh một cách trực quan nhất tình hình kinh tế của toàn thế giới;
Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng cao dù có các gói cứu trợ của chính phủ cũng không thể đủ, mất việc làm khiến nhiều người sinh ra ác cảm hoặc có tâm lý đổ lỗi cho những người có tiền, dẫn tới việc bất ổn về mặt chính trị xã hội;
Ngân hàng Trung ương không thể can thiệp bởi nếu Chính phủ sử dụng công cụ tiền tệ lúc này để kích thích tăng trưởng kinh tế thì chỉ khiến lạm phát ngày càng tăng cao.
5. Các cuộc suy thoái kinh tế nổi bật trên thế giới
Thế kỷ 1 – Khủng hoảng kinh tế Đế quốc La Mã (Năm thứ 33 sau Công nguyên)
Thời La Mã cổ đại, những người giàu có và đặc biệt là thành viên của tầng lớp thượng lưu hoàng gia thường xuyên cung cấp cho người dân các khoản vay có lãi suất. Tuy nhiên, vào năm 33 sau Công Nguyên, những khoản vay này xuất hiện ngày càng ít và trở nên khan hiếm, dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Sự khan hiếm này bắt nguồn từ việc những nhà cầm quyền lâm thời đề ra một đạo luật yêu cầu các chủ nợ đầu tư 2/3 giá trị tài sản của họ vào các bất động sản tại bán đảo Italia và các con nợ phải hoàn trả lại số tiền tương ứng với các khoản đã vay. Trong thực tế, các chủ nợ đã yêu cầu con nợ phải thanh toán toàn bộ giá trị các khoản vay.
Người vay buộc phải bán đất (thuộc quyền sở hữu của họ) để trả nợ. Do nhu cầu bán đất tăng cao, khiến cho giá đất trên thị trường giảm sâu. Người vay do đó không thể kiếm đủ tiền từ việc bán đất để trả nợ nên buộc phải tìm đến những kẻ cho vay nặng lãi. Hậu quả là giá đất giảm, tình trạng đói tín dụng trở nên phổ biến và lãi suất tăng một cách chóng mặt. Nhiều người vay do không thể thanh toán các khoản nợ nên bị đưa ra tòa và tịch thu toàn bộ tài sản.
Thế kỷ 3 – Khủng hoảng Đế quốc (năm 235-284 sau Công nguyên)
Đây là thời kỳ đế chế La Mã bị chia cắt thành 3 thực thể chính trị bao gồm: Đế chế Gallic, Đế chế La Mã và Đế chế Palmyrene.
Nguyên nhân xuất hiện tình trạng chia cắt và tình hình xã hội bất ổn lúc bấy giờ là do:
Có sự thay đổi mô hình lãnh đạo sau cuộc ám sát quốc vương Alexander Severus (222-235 sau Công nguyên)
Quân đội gia tăng sự can thiệp vào chính trị
Lạm phát và suy thoái kinh tế làm phá giá tiền tệ dưới triều đại Severan
Áp lực bảo vệ lãnh thổ quốc gia từ các cuộc ngoại xâm
Dịch bệnh hoành hành
Nam giới gia nhập quân đội dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Kể từ thời Pax Romana, nền kinh tế của Đế chế Rome đã phụ thuộc phần nhiều vào thương mại giữa các cảng Địa Trung Hải và qua các hệ thống đường bộ rộng rãi dẫn vào nội địa của Đế chế. Tình trạng bất ổn dân sự lan rộng là nguyên nhân khiến cho việc đi lại của các thương gia không còn an toàn như trước và cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến việc trao đổi hàng hóa trở nên rất khó khăn vì sự phá giá của đồng tiền. Do đó, hoạt động thương mại và nền kinh tế phải chịu ảnh hưởng nặng nề và rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Thế kỷ 14 – Cuộc khủng hoảng Châu Âu thế kỷ 14
Vào đầu thế kỷ 14, tình hình kinh tế – chính trị – xã hội tại Châu Âu trở nên bất ổn do một số sự kiện như biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng trong sản xuất nông nghiệp (nạn đói lớn xảy ra vào năm 1315-1317), sự tàn phá sau cuộc chiến giữa Pháp và Anh năm 1317, cái chết đen hay còn gọi là đại dịch hạch giai đoạn 1347-1351.
Hậu quả xảy ra là dân số ở một số khu vực của Châu Âu đã giảm hơn một nửa. Một con số được ước tính rằng từ 1/2 đến 2/3 dân số Châu Âu chết trong khoảng từ 1346 đến 1351.
Trước tình hình đó, giá cả hàng hóa tăng mạnh. Xuất hiện nhiều vụ vỡ nợ của các bang trên khắp châu Âu và các vụ phá sản của hàng hoạt ngân hàng tư nhân. Điều này đã gây nên hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Châu Âu. Số lượng lao động ít, tiền lương tăng và ở một số nơi, đặc biệt là Đông Âu, chính phủ phải nỗ lực thi hành nhiều biện pháp để ngăn người lao động rời khỏi lãnh thổ.
Thế kỷ 17 – Hội chứng hoa tulip
Khoảng giữa thế kỷ 17, Hội chứng hoa Tulip xuất hiện tại Hà Lan được xem là bong bóng kinh tế đầu tiên trong lịch sử thế giới. Lúc bấy giờ, mọi người đổ xô đi mua hoa tulip khiến giá hoa trên thị trường tăng một cách chóng mặt. Có những thời điểm, một củ Tulip hiếm được bán ra thị trường với giá 750.000 USD giá trị hiện nay và ước tính cao gấp 6 lần thu nhập hằng năm của một người bình thường.
Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 1637 thị trường hoa tulip bất ngờ sụp đổ khiến các nhà đầu tư rơi vào khủng hoảng phải bán tháo hoa tulip khiến giá giảm mạnh xuống còn 1% so với giá trị lúc trước. Chỉ trong chớp mắt, tài sản của nhiều người bốc hơi và lợi nhuận ảo trên giấy tờ bị xóa sạch.
Thế kỷ 18 – Bong bóng của Công ty Nam Dương
Vào năm 1717, công ty Nam Dương của Anh tiến hành thiết lập tuyến thương mại đầu tiên đến khu vực Mỹ Latinh. Thông qua việc thổi phồng thành tựu về hoạt động thương mại này, giá cổ phiếu công ty tăng mạnh bất ngờ từ 128 lên 1.000 bảng Anh chỉ trong vòng nửa năm. Thời điểm đó, cổ phiếu công ty Nam Dương được coi là tài sản ưa thích của các nhà đầu tư và kéo theo một cơn sốt đầu cơ trên khắp nước Anh.
Để mua chứng khoán, các nhà đầu tư thậm chí còn vay mượn tiền từ chính công ty Nam Dương. Khi đến thời hạn trả nợ, do mất khả năng thanh toán, nhiều người phải bán cổ phiếu thuộc sở hữu của họ ra thị trường. Cung tăng khiến giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đã đẩy nhiều ngân hàng đến bờ vực phá sản và nền kinh tế Anh theo đó sụp đổ nhanh chóng.
Khủng hoảng tín dụng 1772
Khủng hoảng tín dụng năm 1772 bắt nguồn từ London, sau đó nhanh chóng lan ra toàn châu Âu.
Thời điểm những năm 1760 và 1770 được xem là giai đoạn cực thịnh của vương quốc Anh nhờ vào các thành tựu trong thương mại và hệ thống thuộc địa rộng lớn. Các ngân hàng Nhà nước trở nên phóng khoáng hơn trong việc cho vay tín dụng với niềm tin về một viễn cảnh thịnh vượng trong tương lai. Tuy nhiên, vào tháng 6/1772, một trong những đối tác lớn của ngân hàng James, Fordyce, Neal và Down là Alexander Fordyce bất ngờ ôm theo khoản nợ chưa thanh toán chạy trốn sang Pháp.
Tin tức lan nhanh một cách chóng mặt đã dẫn đến sự hỗn loạn trong hệ thống ngân hàng của Anh thời kỳ đó. Các chủ nợ vì lo sợ đã nhanh chóng rút tiền khỏi ngân hàng, tạo nên một cuộc khủng hoảng tín dụng. Sau đó, cuộc khủng hoảng này tiếp tục lan sang Scotland, Hà Lan, nhiều vùng ở Châu Âu và các thuộc địa của Anh tại Châu Mỹ. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này được xem là 1 trong những tác nhân chính dẫn đến sự nổi loạn tiệc trà Boston và Cách mạng Mỹ.
Thế kỷ 19 – Cuộc suy thoái kéo dài (1873–1896)
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1873 đã châm ngòi cho chuỗi suy thoái kinh tế ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ:
Lạm phát xảy ra ở Mỹ
Đầu cơ tràn lan (nổi bật là trong lĩnh vực đường sắt)
Đồng tiền bị phá giá tại Đức và Mỹ
Những gợn sóng kinh tế bất ổn xuất phát từ cuộc chiến Franco-Prussian (1870-1871)
Thiệt hại lớn về tài sản từ cuộc đại hỏa hoạn ở Chicago và Boston đã khiến nguồn dự trữ ngân hàng ở thành phố New York lao dốc nhanh chóng từ 50 triệu đô xuống còn 17 triệu từ tháng 9 đến tháng 10 năm 1873.
Ở Hoa Kỳ, vào giai đoạn 1873-1879, hơn 18.000 doanh nghiệp, 10 bang và hàng trăm ngân hàng rơi vào phá sản. Tình trạng thất nghiệp đạt đỉnh năm 1878 với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ước tính từ 8,25% đến 14%.
Trong giai đoạn này, nước Anh được cho là chịu hậu quả nặng nề nhất. Anh mất đi một số vị trí dẫn đầu về công nghiệp đối với nền kinh tế tại Châu Âu đồng thời phải trải qua một cuộc suy thoái kéo dài trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng thời điểm đó, ở một số quốc gia, cuộc khủng hoảng này được nhắc đến với tên gọi Đại suy thoái cho đến khi cuộc Đại suy thoái thật sự xuất hiện vào năm 1929.
Khủng hoảng kinh tế thế giới vào thế kỷ 20
Đại suy thoái 1929-1939
Đại suy thoái năm 1929-1939 được xem là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế kỷ 20. Nó không chỉ tàn phá nền kinh tế Mỹ mà còn tác động đến nền kinh tế toàn cầu.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau bàn về nguyên nhân của cuộc đại suy thoái. Một số người cho rằng thảm họa này xuất phát từ sự sụp đổ thị trường chứng khoán phố Wall và quyết định sai lầm của Chính phủ Mỹ.
Vào đầu thế kỷ 20, việc cấp tín dụng ở Mỹ trở nên vô cùng dễ dàng. Các nhà đầu tư vì thế mà lạm dụng vay tín dụng để đầu cơ chứng khoán. Vào tháng 10/1929, giá cổ phiếu trên phố Wall bất ngờ sụt giảm mạnh. Bong bóng tài chính tan vỡ gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường. Hậu quả là Chính phủ và doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nợ nần. Thêm vào đó, chính sách thuế và những món nợ của chính phủ lúc bấy giờ khiến hàng hóa không thể bán ra nước ngoài. Ảnh hưởng của nó nhanh chóng lan rộng sang các quốc gia khác.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm sụt giảm sản lượng công nghiệp xuống 45%, khoảng 5.000 ngân hàng tuyên bố phá sản, 50 triệu người thất nghiệp, mâu thuẫn xã hội bùng nổ diện rộng. Một số nước tư bản không có hoặc ít thuộc địa lâm vào tình trạng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu và thị trường. Họ đã lựa chọn đi theo con đường phát xít hóa chế độ chính trị để giải quyết tình trạng này.
Khủng hoảng giá dầu OPEC 1973
Cuộc khủng hoảng giá dầu đã khiến chỉ số FT30 của Sở Giao dịch Chứng khoán London bốc hơi 73% giá trị, và GDP của Mỹ giảm 3,2%.
Cuộc khủng hoảng nổ ra khi các quốc gia thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định trả đũa nước Mỹ vì đã hỗ trợ vũ trang cho Israel trong thời kỳ chiến tranh lần thứ tư giữa Arab và Israel.
Các nước OPEC tuyên bố ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ, ngừng xuất khẩu dầu cho Mỹ cũng như các nước đồng minh. Việt đột ngột cấm xuất khẩu dầu mỏ đã gây ra tình trạng thiếu hụt dầu trầm trọng tại các nước bị ảnh hưởng. Điều này đã khiến giá dầu leo thang, tạo ra lạm phát cực cao. Nền kinh tế Mỹ và các nước phát triển lâm vào tình trạng khủng hoảng. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế gọi thời kỳ này là thời kỳ stagflation (sự trì trệ kết hợp lạm phát). Phải tốn đến vài năm sau đó thì tình hình sản xuất kinh doanh mới được hồi phục và lạm phát trở về mức bình thường trước khi khủng hoảng xảy ra.
Khủng hoảng châu Á 1997
Khủng hoảng Châu Á năm 1997 bắt nguồn từ Thái Lan và sau đó lan rộng sang các nước Đông Á. Tháng 7/1997, chính phủ Thái Lan quyết định xóa bỏ tỷ giá hối đoái cố định với đồng đô la. Hành động này đã khiến đồng Bath Thái sụt giá liên tục và mất 40% giá trị chỉ trong vòng 1 năm.
Thị trường Tài chính Châu Á trở nên hoảng loạn. Các nhà đầu tư nước ngoài e sợ, lần lượt rút vốn ra khỏi thị trường. Các công ty Thái vay bằng đồng USD nhanh chóng rơi vào vờ vực phá sản, thị trường chứng khoán giảm 72% giá trị. Finance One công ty tài chính lớn nhất Thái Lan lúc bấy giờ cũng tuyên bố phá sản. Ảnh hưởng từ sự kiện này đã lan rộng không chỉ sang các nước Đông Á, gây nên tình trạng bất ổn chính trị trong khu vực mà đồng thời còn góp phần dẫn đến khủng hoảng tài chính Nga và khủng hoảng tài chính Brazil.
Trước tình hình đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) đã phải vào cuộc bằng việc sử dụng biện pháp đưa ra gói hỗ trợ cho những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất – nhằm tránh tình huống vỡ nợ xảy ra.
Thế kỷ 21
Sự sụp đổ của các công ty “dot com”
Cuối thế kỷ 20 là thời kỳ bùng nổ của Internet và đây được xem là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bong bóng dot com. Dotcom là khái niệm dùng để chỉ các công ty hoạt động kinh doanh trên nền tảng Internet và sử dụng tên miền có chữ “.com” ở cuối.
Đứng trước những dự đoán hấp dẫn về ngành công nghệ, các nhà đầu tư đã dồn tiền đi mua chứng khoán của các công ty dotcom với hi vọng sẽ thu về lợi nhuận khủng. Nhiều công ty mặc dù trên thực tế có ít tài sản vật chất nhưng được định giá lên tới hàng tỷ USD. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Nasdaq Composite của các công ty này tăng trưởng theo cấp số nhân. Cơn sốt này chỉ chính thức hạ nhiệt vào cuối tháng 10/2002 khi các báo cáo chỉ ra nhiều công ty đang làm ăn không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng nề. Giá trị cổ phiếu từ đó chạm đáy, khiến nước Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế và kéo theo làm trì trệ kinh tế toàn cầu.
Khủng hoảng kinh tế thế giới 2007-2008
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 (GFC) xuất phát từ sự khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm bảo hiểm, tín dụng, và chứng khoán, diễn ra từ năm 2007 cho tới năm 2008, bắt nguồn từ Mỹ.
Nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 được dự đoán là liên quan tới việc các tổ chức tài chính trên thị trường bất động sản tại Mỹ đưa ra các khoản vay thế chấp mạo hiểm nhằm giải cứu người mua bất động sản. Hình thức vay thế chấp mục đích nhắm vào những người mua nhà có thu nhập thấp, kém hiểu biết, ít thông tin, rủi ro cho vay rất cao cùng với sự bùng nổ bong bóng nhà đất tại Hoa Kỳ. Đứng đầu những tổ chức này phải kể đến ngân hàng Lehman Brothers – sự sụp đổ của ngân hàng này là khởi đầu cho sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nước trên thế giới, đặc biệt là Liên minh Châu Âu như Đức, Anh, Pháp cùng nhiều các quốc gia khác. Cuộc khủng hoảng này đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu với hơn 10.000 tỷ USD đã bị cuốn trôi, hơn 30 triệu người thất nghiệp, gia tăng tỉ lệ vô gia cư và tự tử.
6. Kết luận
Có thể thấy suy thoái kinh tế gây tác động mạnh mẽ đến các quốc gia, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, giảm tiêu dùng và các hoạt động sản xuất đầu tư. Việc nắm rõ cơ chế gây ra suy thoái kinh tế sẽ giúp các nhà hoạt định chính sách đưa ra các chiến lược phù hợp. Như vậy, bài viết trên đây 3Gang đã cung cấp đầy đủ thông tin về suy thoái kinh tế cũng như các dấu hiệu để nhận biết suy thoái kinh tế. Ở góc độ là nhà đầu tư cá nhân, bạn cũng cần hiểu đúng về tình hình kinh tế cũng như liên tục cập nhật kiến thức để có sự chuẩn bị tốt nhất khi gặp suy thoái kinh tế.