Phát mại tài sản là gì? Khi nào Ngân hàng được quyền phát mại tài sản thế chấp của khách hàng? Quy trình phát mại tài sản diễn ra như thế nào? Đó là thắc mắc mà rất nhiều bạn đọc đã gửi về cho chúng tôi trong thời gian gần đây. Chính vì vậy mà trong bài viết ngày hôm nay, 3Gang sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phát mại tài sản.
Phát mại tài sản là gì?
Phát mại tài sản là quá trình ngân hàng hoặc tổ chức cho vay vốn công bố, bán tài sản bảo đảm (tài sản cầm cố, thế chấp) của người đi vay một cách công khai theo thủ tục do pháp luật quy định.
Trong các hợp đồng cho vay thế chấp, ngân hàng và bên thế chấp tài sản (bên vay vốn) sẽ thỏa thuận điều khoản về việc xử lý tài sản đảm bảo. Theo đó, phát mại tài sản sẽ được thực hiện khi người đi vay thế chấp tài sản nhưng không thực hiện được nghĩa vụ, vi phạm nghĩa vụ quy định tại hợp đồng thế chấp.
Tiền gửi tiết kiệm là gì? Phân biệt tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn và không kỳ hạn
Tuy nhiên, để đảm bảo sự an toàn về mặt pháp lý, tránh rủi ro trong việc xử lý tài sản thế chấp khi chủ sở hữu không tự nguyện bàn giao tài sản, một số ngân hàng thương mại đã lựa chọn phương án khởi kiện ra tòa án để giải quyết tranh chấp.
Khi nào ngân hàng được quyền phát mại tài sản thế chấp
Theo Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015, ngân hàng được phát mại tài sản thế chấp trong các trường hợp sau:
– Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm nhưng bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã quy định trong hợp đồng.
– Bên bên thế chấp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của luật.
– Trường hợp khác do thỏa thuận giữa các bên hoặc luật có quy định.
Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm hiện nay
Theo Điều 303 Bộ luật dân sự 2015, phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được quy định như sau:
1. Ngân hàng và bên thế chấp có quyền thỏa thuận để lựa chọn một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
– Bán đấu giá tài sản
Theo quy định, đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua tài sản đó và người trả giá cao nhất sẽ là người được quyền mua tài sản đó. Nếu căn cứ theo quy định của Luật đấu giá tài sản thì “Bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai theo hình thức trả giá lên, trong đó có tối thiểu hai người tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Trả giá lên là phương thức trả giá từ thấp lên cao và dừng lại cho đến khi có người trả giá cao nhất.”
– Ngân hàng tự bán tài sản
Trường hợp trong giao dịch bảo đảm có thỏa thuận hoặc được bên thế chấp đồng ý, ngân hàng có thể tự bán tài sản bảo đảm để bù đắp lại giá trị nghĩa vụ do bên thế chấp không thực hiện.
– Ngân hàng nhận chính tài sản cầm cố, thế chấp ban đầu để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế chấp
Thông thường, khi xác lập biện pháp bảo đảm thì giá trị của tài sản thế chấp sẽ bằng hoặc lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm. Do đó, các bên có thể thỏa thuận việc ngân hàng sẽ nhận chính tài sản đảm bảo đó để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ thì ngân hàng sẽ phải thanh toán lại phần chênh lệch cho bên thế chấp và ngược lại.
– Phương thức xử lý khác
Đây là phương thức luật dự phòng và cho phép các bên thỏa thuận với nhau về cách thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp ban đầu.
Như vậy, ngân hàng được quyền phát mại tài sản theo phương thức thỏa thuận trong hợp đồng cho vay đã giao kết.
2. Trong trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản đó sẽ được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Nói tóm lại, khi vi phạm nghĩa vụ, không thực hiện hiện được nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng, bên thế chấp tài sản sẽ không có quyền định đoạt tài sản.
Quy trình phát mại tài sản của ngân hàng
Trường hợp bên vay vốn vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu bên vay chuyển giao tài sản thế chấp để phát mại. Nếu bên thế chấp đồng ý với việc này thì ngân hàng có quyền tiếp quản tài sản và tiến hành thủ tục phát mại tài sản theo quy định.
Quá trình xử lý tài sản thế chấp phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch để mọi người cùng biết, đảm bảo tính khách quan để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch. Các tổ chức, cá nhân có liên quan và phù hợp với các quy định theo trình tự thủ tục của Luật đất đai (nếu tài sản phát mại là đất đai), Luật đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan.
Bước 1: Thông báo về việc xử lý phát mại tài sản bảo đảm
Theo Điều 300 Luật Dân sự 2015, việc thông báo về việc xử lý tài sản đảm bảo được quy định như sau:
- Trước khi xử lý tài sản đảm bảo, ngân hàng phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản này cho bên thế chấp và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến giá trị bị giảm sút hoặc mất toàn bộ giá trị, ngân hàng có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên thế chấp và các bên nhận tài sản bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
- Trường hợp ngân hàng không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 của Điều này mà gây thiệt hại thì sẽ phải bồi thường cho bên thế chấp và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Bước 2: Định giá tài sản đảm bảo
Theo Điều 306 Bộ Luật Dân sự 2015, quy trình định giá tài sản đảm bảo được quy định như sau:
– Bên thế chấp và ngân hàng (bên nhận bảo đảm) có quyền thỏa thuận về giá trị tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua các tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm.
Trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản sẽ được định giá thông qua các tổ chức định giá tài sản.
– Việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm tính khách quan và phù hợp với giá thị trường.
– Tổ chức định giá sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu có hành vi trái pháp luật mà gây thiệt hại cho bên thế chấp, ngân hàng trong quá trình định giá tài sản bảo đảm.
Bước 3: Bán tài sản bảo đảm
Theo Điều 304 Bộ Luật Dân sự 2015, việc bán tài sản đảm bảo được quy định như sau:
– Việc bán đấu giá tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về việc bán đấu giá tài sản.
– Việc tự bán tài sản bảo đảm của ngân hàng được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong Bộ luật này Dân sự 2015.
– Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định tại Điều 307 của Bộ luật này.
– Sau khi có kết quả bán tài sản bảo đảm, chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của luật pháp để chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.
Bước 4: Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý phát mại tài sản
Theo Điều 307 Bộ Luật Dân sự 2015, việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được quy định như sau:
1. Số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật này.
2. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần tiền chênh lệch phải được trả cho bên thế chấp.
3. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thêm thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Lúc này, ngân hàng sẽ có quyền yêu cầu bên đi vay thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
Bước 5: Chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người sở hữu tài sản sau khi phát mại
Pháp luật quy định việc chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng tài sản phát mại phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu. Hợp đồng mua bán tài sản phát mại giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người thi hành án với người mua tài sản phát mại về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố, thế chấp tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này.
Thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người có quyền sử dụng tài sản phát mại được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản sau khi xử lý.
Người nhận chuyển quyền sở hữ và sử dụng đất được văn phòng đăng ký đất đai các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Quy trình đầu giá tài sản cầm cố, thế chấp
Bước 1: Thu giữ, thẩm định tài sản và ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản
Sau khi đã thu giữ được tài sản của bên thế chấp, ngân hàng cần thuê tổ chức thẩm định giá, thẩm định lại giá trị tài sản mà ngân hàng vừa thu giữ để làm cơ sở cho việc bán đấu giá tài sản này. Mục đích của việc thuê tổ chức định giá là để đảm bảo tính khách quan trước khi thực hiện bán tài sản công khai thông qua hình thức đấu giá. Khi đã tiến hành thẩm định giá tài sản xong, ngân hàng cần thực hiện ngay việc ký kết hợp đồng dịch vụ bán đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản để tiến hành đấu giá tài sản.
Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản phải được lập thành văn bản và được thực hiện theo định của Luật đấu giá tài sản và pháp luật dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng cần phải cung cấp cho tổ chức đấu giá tài sản bằng chứng chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc quyền được bán tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp các giấy tờ đó. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ yêu cầu tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện việc đấu giá đúng quy định của pháp luật. Ngân hàng có quyền hủy bỏ ngay việc thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá nếu có căn cứ cho rằng:
– Tổ chức bán đấu gia tài sản vi phạm nghĩa vụ và xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của ngân hàng, ví dụ như cố tình cho phép người không có đủ điều kiện để tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật tham gia vào việc đấu giá và trúng đấu giá.
– Không thực hiện việc niêm yết bán đấu giá tài sản.
– Không thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản.
– Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về bán hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá cũng như việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá.
– Cản trở hoặc hạn chế người muốn tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá.
– Tổ chức đấu giá tài sản thông đồng, kết nối với người tham gia đấu giá trong quá trình tổ chức phiên đấu giá khiến cho thông tin tài sản đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản bị sai lệch.
– Tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cuộc đấu giá không đúng quy định của pháp luật về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản…
Bước 2: Thông báo công khai thông tin bán đấu giá
Sau khi ký kết xong hợp đồng dịch vụ bán đấu giá, ngân hàng sẽ đề nghị tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản.
– Đối với tài sản là động sản, tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá tại chính trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và ở cả nơi tổ chức cuộc đấu giá
– Đối với tài sản là bất động sản, tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá tại chính trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và ở cả Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản được đấu giá.
Khi niêm yết, ngân hàng cần yêu cầu tổ chức đấu giá thực hiện việc niêm yết một số thông tin chính như sau:
– Tên, địa chỉ của tổ chức bán đấu giá tài sản và người chủ sở hữu tài sản đấu giá.
– Tài liệu và hình ảnh về tài sản cần mang ra đấu giá. Trong trường hợp niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản sẽ lập văn bản có xác nhận về việc niêm yết của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết.
– Thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật
Ở bước này, ngân hàng cần kiểm tra thật kỹ các thông tin trước khi tổ chức đấu giá niêm yết công khai những thông tin này, tránh trường hợp các thông tin trong thông báo không khớp đúng và bị sai lệch.
Bước 3: Công bố về giá khởi điểm của tài sản đấu giá
Theo quy định của luật pháp, tổ chức bán đấu giá sẽ phải công bố giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá và giá khởi điểm này sẽ do ngân hàng cung cấp dựa trên cơ sở là giá thẩm định ở bước 1. Thông thường, việc công bố giá khởi điểm sẽ ở bước 2 nhưng việc công bố giá sẽ được 3Gang tách ra là một bước độc lập. Bởi lẽ, việc công bố giá khởi điểm là rất quan trọng vì trong thực tế, đã có những trường hợp mà tổ chức đấu giá khi niêm yết công khai tài sản bán đấu giá lại không công bố giá khởi điểm hoặc cũng nội dung về giá nhưng giá này lại không đúng với giá do ngân hàng đề xuất.
Bước 4: Địa điểm thực hiện bán đấu giá
Cuộc bán đấu giá sẽ được tổ chức tại trụ sở của tổ chức đấu giá tài sản, nơi có tài sản đấu giá hoặc một địa điểm khác theo thỏa thuận của tổ chức đấu giá tài sản với người có tài sản đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bước 5: Đăng ký tham gia cuộc đấu giá
Thông thường, khi ngân hàng thông qua tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản thu hồi nợ của khách hàng, tổ chức đấu giá đã quy định và thông báo công khai các nội dung trong 4 bước trên. Bên cạnh đó, tổ chức bán đấu giá tài sản còn tiếp nhận đơn đăng ký tham gia đấu giá theo quy định của các cá nhân, tổ chức.
Các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá bắt buộc phải mua và nộp hồ sơ đăng ký tham gia theo quy định của tổ chức bán đấu giá.
Pháp luật cũng quy định rất rõ ràng về những trường hợp các tổ chức, cá nhân không được phép tham gia đấu giá, đó là:
– Người không có năng lực hành vi dân sự, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Người gặp khó khăn trong việc nhận thức và làm chủ hành vi hoặc tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá, người đó không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
– Người làm việc trong tổ chức đấu bán giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá.
– Cha, mẹ, chồng, vợ, con, chị ruột, anh ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá.
– Người trực tiếp thực hiện việc giám định, định giá tài sản.
– Cha, mẹ, chồng, vợ, con, chị ruột, anh ruột, em ruột của người trực tiếp thực hiện việc giám định, định giá tài sản.
– Người được chủ sở hữu tài sản đấu giá ủy quyền xử lý tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật.
– Cha, mẹ, chồng, vợ, con, chị ruột, anh ruột, em ruột của người quy định tại điểm c khoản này.
– Người không có quyền mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng với loại tài sản đó.
Bước 6: Tiền đặt cọc trước và cách xử lý khi bán đấu giá
Về nguyên tắc, người tham gia đấu giá sẽ phải nộp trước một khoản tiền cọc. Khoản tiền đặt trước này sẽ do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận. Theo đó, số tiền này phải tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản được đấu giá. Tiền đặt trước sẽ được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức bán đấu giá tài sản mở tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại trong nước.
Nếu khoản tiền đặt cọc này có giá trị dưới năm triệu đồng, người tham gia đấu giá có thể trực tiếp nộp cho tổ chức đấu giá tài sản. Tổ chức đấu giá tài sản và người tham gia có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt cọc trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được phép thu tiền đặt cọc của người tham gia trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày diễn ra cuộc đấu giá, trừ trường hợp tổ chức đấu giá tài sản và người tham gia có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá.
Tổ chức đấu giá tài sản không được phép sử dụng tiền đặt cọc của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác. Bên cạnh đó, người tham gia đấu giá cũng sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc trong các trường hợp đã nộp tiền cọc nhưng không tham gia cuộc đấu giá hoặc buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng, ví dụ như:
– Bị truất quyền tham gia cuộc bán đấu giá do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật Đấu giá 2016.
– Từ chối ký biên bản bán đấu giá.
– Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận cho tài sản đấu giá.
– Từ chối kết quả trúng đấu giá tài sản.
Bước 7: Trình tự và các thủ tục tại cuộc đấu giá
Khi vào cuộc bán đấu giá, đấu giá viên điều hành sẽ thực hiện tuần tự các công việc sau :
– Giới thiệu về bản thân và người giúp việc.
– Thông báo các quy định, nội quy của cuộc bán đấu giá tài sản.
– Công bố danh sách những người đăng ký mua tài sản bán đấu giá, đồng thời điểm danh để xác định danh tính của những người tham gia đấu giá tài sản.
– Giới thiệu từng tài sản bán đấu giá và nhắc lại giá khởi điểm cho từng sản phẩm.
– Thông báo bước giá cũng như khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá cho tài sản.
– Trả lời các thắc mắc của những người tham gia đấu giá.
– Tiếp đó, đấu giá viên sẽ yêu cầu người tham gia đấu giá trả giá cho tài sản.
– Sau mỗi lần trả giá như vậy, đấu giá viên sẽ thông báo công khai về giá đã trả cho những người người tham gia đấu giá khác. Nếu sau ba lần đấu giá viên nhắc lại giá cao nhất đã được trả cho tài sản mà không có ai trả giá cao hơn, đấu giá viên sẽ công bố tên người mua được tài sản bán đấu giá đó.
Sau khi công bố, người mua được tài sản bán đấu giá đó xem như đã chấp nhận giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Trong trường hợp mức giá cao nhất được trả cho tài sản thấp hơn so với giá khởi điểm, cuộc bán đấu giá coi như không thành.
Trong trường hợp đấu giá bằng phương pháp bỏ phiếu, nếu có từ hai người trở lên cùng trả giá cao nhất, đấu giá viên sẽ tổ chức cuộc đấu giá tiếp giữa những người cùng trả giá cao nhất để có thể chọn ra người mua được tài sản đấu giá. Nếu không có ai muốn tăng giá thêm thì đấu giá viên sẽ tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản này.
Lưu ý:
– Mọi diễn biến của cuộc bán đấu giá tài sản đều phải được ghi vào biên bản bán đấu giá tài sản và biên bản này phải có chữ ký của đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản. Kết quả cuộc bán đấu giá sẽ được ghi vào sổ đăng ký bán đấu giá tài sản. Nếu cuộc bán đấu giá diễn ra thành công thì đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tài sản phải lập hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá theo quy định của luật pháp.
Một số giấy tờ pháp lý trong hồ sơ mà ngân hàng cần phải chuẩn bị khi thực hiện việc bán tài sản thông qua tổ chức bán đấu giá tài sản:
- Quyết định của ngân hàng (người có đủ thẩm quyền ký quyết định) đối với việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản thế chấp.
- Văn bản đề nghị bán đấu giá tài sản thế chấp của khách hàng.
- Bản án, quyết định thi hành án và quyết định kê biên xử lý tài sản thế chấp thi hành án.
- Văn bản định giá tài sản thế chấp và các giấy tờ có liên quan đến giá tài sản này.
- Văn bản xác định giá trị giá khởi điểm của tài sản thế chấp.
Trên đây là toàn bộ các thông tin về phát mãi tài sản và những vấn đề có liên quan. Hy vọng rằng, sau khi đọc hết bài viết này của 3Gang, các bạn đã có thêm cho mình những kiến thức hữu ích về phát mại tài sản là gì, quy trình phát mãi tài sản và quy trình bán đấu giá tài sản bảo đảm hiện nay. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian theo dõi các bài viết của 3Gang.