Đọc, hiểu biểu đồ chứng khoán là một trong những khâu hết sức quan trọng đối với nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Vậy cách xem biểu đồ chứng khoán như thế nào, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây của 3Gang.
Biểu đồ chứng khoán là gì?
Biểu đồ chứng khoán là biểu đồ phân tích của từng mã chứng khoán tại các sàn giao dịch như cổ phiếu, trái phiếu hay chứng chỉ quỹ,… tính tới thời điểm hiện tại. Nó giúp cho nhà đầu tư có thể nắm bắt thông tin, cơ sở để dự đoán xu hướng của chứng khoán trong tương lai, đồng thời đánh giá tiềm năng phát triển của chúng.
Tại sao cần đọc biểu đồ chứng khoán khi thực hiện đầu tư?
Qua biểu đồ chứng khoán, nhà đầu tư có thể biết được các chuyển động giá của từng mã chứng khoán tại một khoảng thời gian xác định, quan sát dễ dàng hiệu suất của từng loại,… Đối với những dữ liệu hàng ngày, bạn có thể có được dự đoán về biến động giá trong ngắn hạn.
Cách xem biểu đồ chứng khoán
1. Khối lượng giao dịch
Chỉ số này thể hiện mức độ quan tâm của thị trường đối với loại cổ phiếu đó. Do vậy, khi có thay đổi lớn về khối lượng giao dịch có nghĩa sắp có sự chuyển dịch về giá.
- Khối lượng giao dịch lớn với giá đang tăng: dấu hiệu cho biết giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng.
- Khối lượng giao dịch thấp với giá đang giảm: cho thấy giá có thể tăng trở lại.
- Khối lượng giao dịch lớn với giá đang giảm: cho biết giá có thể tiếp tục giảm do một lượng lớn cổ phiếu đang được tích cực bán ra.
- Khối lượng giao dịch thấp với giá đang tăng: cho thấy nhà đầu tư đang không còn tin tưởng vào một xu hướng tăng tiếp diễn. Chính vì thế, thị trường có thể xuất hiện xu hướng giảm điều chỉnh.
2. Chỉ báo xu hướng và động lượng
Các chuyên gia phân tích kỹ thuật thường sử dụng kết hợp nhiều loại chỉ báo cùng một lúc để đưa ra dự đoán có khả năng chính xác cao nhất. Các chỉ báo kỹ thuật được chia thành hai loại cơ bản:
- Chỉ báo xu hướng: được dùng trong xác định xu hướng tổng thể của giá cổ phiếu là lên hay xuống. Ví dụ: đường trung bình động.
- Chỉ báo động lượng: được sử dụng để đánh giá sức mạnh của chuyển động giá, qua đó tìm ra các điểm vào lệnh. Ví dụ: chỉ báo RSI, MACD,…
3. Xác định mức hỗ trợ, kháng cự
Biểu đồ chứng khoán rất hữu ích trong việc xác định ra các mức hỗ trợ và kháng cự.
Mức hỗ trợ là mức giá mà tại đây xu hướng giảm thường bị ngăn cản và thực hiện đảo chiều thành xu hướng tăng. Trong khi đó, mức kháng cự thể hiện mức giá mà tại đó xu hướng tăng thường thất bại trong việc đưa giá tăng cao hơn và khiến cho xu hướng đảo chiều sang giảm.
Sau khi xác định được mức hỗ trợ và kháng cự, bạn có thể dùng chúng để giao dịch:
- Đối với cổ phiếu có tính biến động trong phạm vi giữa ngưỡng hỗ trợ và kháng cự ở khoảng thời gian dài: hãy mua ở mức hỗ trợ và bán tại mức kháng cự. Lặp lại quy trình này khi giá còn nằm ở trong vùng hỗ trợ hay kháng cự.
- Đối với giá cổ phiếu đã vượt ra một trong hai mức hỗ trợ hoặc kháng cự: là chỉ báo quan trọng cho một xu hướng mới trong tương lai mà bạn cần lưu ý.
Cách nhìn biểu đồ chứng khoán đối với từng loại cụ thể
STT | Loại biểu đồ (thông dụng) | Thông tin cung cấp | Cách xem biểu đồ chứng khoán | Đánh giá chung |
1 | Biểu đồ hình thanh (HLC/OHLC) | Giá đóng và mở cửa, giá cao nhất và thấp nhất | Có cấu tạo gồm một đường thẳng đứng thể hiện cho phạm vi giá giao dịch trong phiên. Trong khung thời gian giao dịch đó, nếu giá tăng đường thẳng sẽ có màu xanh và chuyển màu đỏ khi giao dịch giảm.
Hai đường ngang xuất phát từ đường biên độ giá được sử dụng để đánh dấu giá đóng và mở cửa. Giá mở cửa là đường ngang hướng sang phía bên trái, còn đường ngang hướng sang bên phải là giá đóng cửa. |
Thường được các nhà đầu tư kỹ thuật thuần túy sử dụng do nó chỉ bao gồm giá cùng các con số nên họ có thể dễ dàng tìm ra những mẫu mô hình giá hơn. Bên cạnh đó, biểu đồ này cũng giúp loại bỏ yếu tố cảm xúc khi giao dịch với thị trường. |
2 | Biểu đồ nến Nhật | Giá đóng và mở cửa, giá cao nhất và thấp nhất | Biểu đồ bao gồm hai phần chính là thân và bóng nến. Trong đó, thân nến thể hiện mức biến động giữa giá mở cửa với giá đóng cửa, còn bóng nến là các đường mảnh thể hiện biên độ biến động giá, bao hàm cả giá thấp nhất và giá cao nhất ở trong phiên. Khi giá tăng, thân nến có màu xanh, nếu giá giảm, thân nến sẽ có màu đỏ. | Là một trong những biểu đồ được sử dụng phổ biến trên thế giới. Nó đã phản ánh được một phần cảm xúc đằng sau chuyển động của giá. Điều này giúp nhà đầu tư có thêm thông tin về hành vi giá trên thị trường. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn có thể xác định được những điểm hỗ trợ, kháng cự mạnh. |
3 | Biểu đồ dạng đường | Chỉ thể hiện giá đóng cửa trong khung thời gian giao dịch | Được đọc theo chiều từ trái qua phải. Các mức giá đóng cửa sẽ được nối liền nhau tạo nên một dải tín hiệu. | Một số nhà đầu tư quan niệm rằng, thông tin duy nhất cần nắm bắt sau mỗi phiên giao dịch là giá đóng cửa và biểu đồ đường đang thể hiện rất tốt thông tin về giá đã đi về đâu. Nó thường được sử dụng trong quan sát các mục tiêu dài hạn do không có chứa các thông tin khác. |
Ngoài 3 loại biểu đồ thường gặp trên, còn có một số biểu đồ thông dụng khác như biểu đồ vùng, Heiken Ashi, biểu đồ đường cơ sở.
Một số lưu ý trong đọc biểu đồ chứng khoán
1. Thông tin cơ bản trên các biểu đồ chứng khoán
Các thông số cơ bản trên biểu đồ gồm:
- Tên cổ phiếu giao dịch cùng với biến động giá trong ngày.
- Các khung thời gian giao dịch.
- Các loại biểu đồ.
- Các chỉ báo kỹ thuật.
- Đường trung bình biến động giá.
- Mã giao dịch cổ phiếu cùng thời gian giao dịch mà biểu đồ đang được sử dụng.
- Giá đóng và mở cửa, giá sàn, giá trần trong khoảng thời gian giao dịch.
- Khoảng thời gian: thể hiện những mốc thời gian từ quá khứ đến hiện tại theo chiều từ trái qua phải.
- Khoảng giá và giá hiện tại: cột này sẽ thể hiện các mức giá với đường màu đỏ là giá cổ phiếu hiện tại.
- Biểu đồ giao dịch: tùy theo loại biểu đồ mà bạn chọn sẽ có cách hiển thị khác nhau. Thông thường, nhà đầu tư theo dõi thị trường bằng biểu đồ nến Nhật.
Ngoài ra, ở một số loại biểu đồ còn cung cấp thêm thông tin về khối lượng giao dịch. Nó là một thông tin hữu ích để nhà đầu tư có thể nắm bắt được động lượng của thị trường. Khối lượng giao dịch theo phiên càng cao đồng nghĩa với việc lượng cổ phiếu giao dịch tại thời điểm đó càng nhiều và có thể kéo theo biến động giá lớn.
2. Những thuật ngữ cần biết khi thực hiện việc đọc biểu đồ chứng khoán
2.1. Khung thời gian giao dịch
Đây là khoảng thời gian mà bạn sẽ xem xét và phân tích ở trong một giao dịch. Nó được chia thành ba giai đoạn. Từng giai đoạn sẽ có những khung thời gian giao dịch ở trên biểu đồ tương ứng:
- Khung dài hạn: 1Y, 1M, 1W
- Khung trung hạn: 1D, 4H, 1H
- Khung ngắn hạn: 5m, 15m, 30m
2.2. Giá cao nhất và thấp nhất, giá đóng cửa, giá mở cửa
- Giá cao nhất (H) và giá thấp nhất (L) thể hiện mức giá cao nhất và thấp nhất mà loại cổ phiếu đó đạt được trong khung thời gian giao dịch, được tính từ lúc mở cửa cho tới khi đóng cửa. Hai loại giá này có thể không phải là giá mở cửa và giá đóng cửa.
- Giá mở cửa: là mức giá của cổ phiếu tại thời điểm bắt đầu khung thời gian giao dịch, có các mức giá mở cửa khác nhau ở mỗi khung.
- Giá đóng cửa: là mức giá của cổ phiếu ở thời điểm đóng khung thời gian giao dịch. Tương tự với giá mở cửa, với mỗi khung 5m, 30m, 1h, 4h, 1D cũng sẽ có các mức giá đóng cửa khác nhau.
2.3. Thay đổi ròng
Thông số được thể hiện ở dạng tỷ lệ phần trăm, cho thấy sự thay đổi về giá trị của cổ phiếu giao dịch so với giá đóng cửa ngày trước đó. Nếu tỷ lệ thay đổi dương thì cổ phiếu được coi là tăng trong ngày. Ngược lại, cổ phiếu bị coi là giảm trong ngày khi tỷ lệ thay đổi âm.
Hy vọng với bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về cách xem biểu đồ chứng khoán chuẩn xác nhất. Hãy liên hệ với 3Gang nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào cần chúng tôi giải đáp nhé.