Thông tin FED tiếp tục tăng lãi suất, đồng Yên Nhật giảm giá trị, tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia tăng cao,… khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng khủng hoảng tài chính thế giới sắp bùng nổ. Vậy về bản chất, khủng hoảng tài chính là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng tài chính? Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng 3Gang tìm hiểu chi tiết về khủng hoảng tài chính trong bài viết dưới đây.
Khái niệm khủng hoảng tài chính
Khủng hoảng tài chính trong tiếng anh gọi là Financial crisis. Nó được định nghĩa là một tình huống trong đó các tài sản tài chính bị mất một phần đáng kể giá trị hoặc có sự sụt giảm mạnh về giá trị của tài sản.
Một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra khi giá trị của các tổ chức tài chính hoặc tài sản giảm đi một cách nhanh chóng. Chúng thường đi kèm với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, khủng hoảng ngân hàng và việc nhà đầu tư rút tài sản. Thường sẽ có một cuộc suy thoái ngay sau khi một cuộc khủng hoảng tài chính phát sinh.
Điều này xuất phát từ tình hình kinh tế bất ổn cùng với việc giá trị tài sản giảm mạnh. Nói cách khác, khi các ngân hàng hoặc các khoản đầu tư giảm giá trị một cách nhanh chóng thường là trong vài ngày hoặc vài tuần thì đó chính là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính.
Có những loại khủng hoảng tài chính nào?
Khủng hoảng tiền tệ
Một cuộc khủng hoảng tiền tệ là một tình huống tồn tại nghi ngờ nghiêm trọng về việc một ngân hàng trung ương của một quốc gia có khả năng dự trữ đủ ngoại tệ để có thể duy trì tỷ giá hối đoái cố định của nước này hay không. Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán quốc tế nói chung cũng như thị trường chứng khoán trong nước nói riêng. Vì khủng hoảng tiền tệ là một cuộc khủng hoảng tài chính, nó là tiền thân của cuộc khủng hoảng kinh tế thực tế.
Nợ nước ngoài làm đồng nội tệ tăng mạnh khi khủng hoảng tiền tệ xảy ra. Một cuộc khủng hoảng tiền tệ có thể phá hủy các nền kinh tế mở nhưng có thể không làm ảnh hưởng đến các nền kinh tế ổn định.
Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý cuộc khủng hoảng tiền tệ bằng cách đáp ứng nhu cầu dư thừa đối với một loại tiền tệ cụ thể bằng cách dự trữ ngoại hối của nó, thường là USD, Euro hoặc Bảng Anh.
Khủng hoảng tiền tệ tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả các lĩnh vực phi kinh tế như chính trị. Chúng ảnh hưởng đến những người lãnh đạo đang nắm quyền theo hướng tiêu cực. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tiền tệ là gây ra sự thay đổi trong chính phủ hoặc bộ trưởng tài chính hoặc thống đốc trung ương.
Khủng hoảng ngân hàng
Khủng hoảng ngân hàng là tình huống xảy ra khi khách hàng đồng loạt rút tiền ra khỏi ngân hàng vì mất niềm tin vào hoạt động của ngân hàng.
Hoạt động của ngân hàng có thể bị tác động bởi các yếu tố khác nhau làm gây ra tình trạng mất khả năng thanh toán. Suy đoán rằng một ngân hàng có thể bị đóng cửa và ảnh hưởng đến tất cả tiền gửi của khách hàng là nguyên nhân khiến mọi người rút tiền của họ ra khỏi ngân hàng.
Sự hoảng loạn ngân hàng là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng ngân hàng đồng thời gây ra khủng hoảng tài chính. Điều này dẫn đến tình trạng mất ổn định của các ngân hàng, có khả năng dẫn tới phá sản.
Đây là lý do khiến các ngân hàng thường hạn chế việc rút tiền của khách hàng hoặc tại những thời điểm đó, họ sẽ tạm dừng hoàn toàn việc rút tiền ra khỏi ngân hàng.
Nếu không được kiểm soát, mối đe dọa này sẽ dẫn đến việc khách hàng đồng loạt rút tiền từ tất cả các ngân hàng, điều này có thể gây ra sự sụp đổ của ngân hàng và từ đó dẫn đến khủng hoảng tài chính. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế trong thời gian rất dài, cũng như dẫn đến suy thoái kinh tế trong các doanh nghiệp, và nhiều công ty phải đóng cửa.
Bong bóng đầu cơ
Bong bóng đầu cơ trong tiếng Anh gọi là Speculative Bubble. Nó là sự gia tăng đột biến của các giá trị tài sản trong một ngành cụ thể, hàng hóa hoặc loại tài sản nào đó, được thúc đẩy bởi đầu cơ, trái ngược với các nguyên tắc cơ bản của loại tài sản đó.
Bong bóng đầu cơ thường được gây ra bởi những kì vọng quá mức về sự tăng trưởng trong tương lai, sự tăng giá hoặc các sự kiện khác có khả năng tạo nên sự gia tăng trong giá trị tài sản.
Thuật ngữ bong bóng có nguồn gốc từ bong bóng Biển Nam của nước Anh và được dùng để chỉ đích danh các công ty đã thổi phồng cổ phiếu của họ lên hơn là đối phó với khủng hoảng. Bong bóng vốn chủ sở hữu và bong bóng nợ là hai hình thức bong bóng đầu cơ.
Khủng hoảng tài chính quốc tế
Khi bong bóng đầu cơ tài chính bị vỡ sẽ dẫn đến tình trạng phá giá tiền tệ và khủng hoảng cán cân thanh toán. Lúc này, các quốc gia không thể tiếp tục duy trì cơ chế tỷ giá cố định được nữa, đồng nội tệ bị mất giá, Chính phủ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ quốc gia. Tình trạng này diễn ra tại nhiều quốc gia sẽ tạo thành cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế.
Khủng hoảng kinh tế rộng hơn
Đây còn được gọi là trầm cảm hoặc suy thoái. Khi GDP âm từ hai quý trở lên, có thể được gọi là suy thoái. Suy thoái sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế.
Tất cả các hoạt động kinh tế sẽ suy giảm trong suy thoái. Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến suy thoái, chẳng hạn như khủng hoảng tài chính hoặc cú sốc thương mại, …
Khi tình trạng suy thoái diễn ra liên tiếp trong một thời gian dài, nó sẽ chuyển thành đại suy thoái.
Khi tăng trưởng kinh tế vắng bóng trong một thời gian dài, nó có thể được gọi là trì trệ kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp cao thường là hậu quả mà đình trệ kinh tế gây ra.
Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính
Lãi suất tăng cao
Nhu cầu vay tín dụng tăng cao hay cung tiền giảm là nguyên nhân làm lãi suất tăng cao. Lúc này, những người có rủi ro tín dụng tốt sẽ e ngại vay vốn, trong khi những người có rủi ro tín dụng cao vẫn tha thiết muốn vay. Sự đối nghịch này sẽ khiến ngân hàng không còn muốn cho vay nữa.
Khi đó, dòng tiền sẽ được đổ vào các hoạt động kinh tế như đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sẽ giảm theo khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tình trạng suy thoái kéo dài có thể là nguyên nhân gây ra bùng nổ khủng hoảng tài chính.
Thị trường cổ phiếu biến động
Khi đầu tư cổ phiếu bị sụt giảm, các doanh nghiệp sẽ bị giảm vốn chủ sở hữu. Điều này khiến cho ngân hàng không sẵn sàng cho doanh nghiệp vay tiền. Trong trường hợp ngân hàng đã cho vay, vốn chủ sở hữu giảm sẽ làm giảm giá trị tài sản đảm bảo khiến rủi ro tín dụng tăng lên.
Mặt khác, nếu xuất hiện bong bóng trên thị trường cổ phiếu, tạo ra nhu cầu ảo làm giá cổ phiếu tăng cao. Đến một lúc nào đó, mức giá đột ngột giảm xuống, khiến cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều bị thiệt hại nặng nề. Nhà đầu tư thì mất tiền, doanh nghiệp thì bị giảm vốn.
Ngân hàng cho vay cũng bị thiệt hại nặng nề vì nhà đầu tư không đủ khả năng chi trả khoản vay. Ngân hàng cũng e ngại không muốn cho doanh nghiệp vay vốn vì vốn chủ sở hữu giảm. Cục diện đối nghịch này là nguyên nhân gây ra khủng hoảng trên thị trường tài chính.
Thâm hụt ngân sách chính phủ
Khi tình trạng thâm hụt ngân sách chính phủ trở nên trầm trọng hơn sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ chính phủ tăng cao. Cách giải quyết tối ưu nhất là chính phủ phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, vì lý do lo ngại bị vỡ nợ nên công chúng không mặn mà với trái phiếu chính phủ nữa. Vậy nên, các ngân hàng sẽ là bên phải mua lại.
Nếu tình hình trở nên tệ đi, trái phiếu chính phủ giảm giá trị, bảng cân đối tài sản của ngân hàng sẽ giảm. Khi đó, ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm nguồn vốn cho vay xuống, nền kinh tế thiếu vốn vận hành dẫn tới tình trạng suy thoái. Bên cạnh đó, lo ngại vỡ nợ chính phủ khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, giá trị nội tệ giảm mạnh dẫn tới khủng hoảng ngoại hối.
Những công ty đang có khoản vay ngoại tệ sẽ gặp khó khăn do đồng nội tệ giảm giá, trong khi ngoại tệ thì tăng giá. Hậu quả dẫn tới là đầu tư và tín dụng đều suy giảm khiến nền kinh tế rơi vào bị đình trệ. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng hoảng tài chính.
Lĩnh vực ngân hàng phát sinh vấn đề
Qua những nguyên nhân đã phân tích phía trên, có thể thấy ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính. Sự bất ổn và khủng hoảng của hệ thống ngân hàng đều có thể gây ra biến động trên thị trường tài chính.
Trong trường hợp ngân hàng hạn chế cho vay, nguồn vốn của các doanh nghiệp sẽ bị giảm sút. Kết quả dẫn tới là đầu tư và sản xuất giảm, nền kinh tế suy thoái và đình trệ. Ngược lại, nếu nhà đầu tư không biết cách sử dụng đòn bẩy tài chính hiệu quả, không có khả năng trả khoản vay cho ngân hàng, thì ngân hàng sẽ bị thiệt hại.
Số lượng các khoản vay này càng lớn, ngân hàng bị thiệt hại càng nhiều, nguồn vốn của ngân hàng sẽ bay hơi dần. Ngân hàng có thể đối mặt với tình trạng không còn đủ tiền trả cho những khách hàng gửi tiền, cuối cùng dẫn tới phá sản. Điều này tác động ngược lại nền kinh tế, nguy cơ suy thoái và khủng hoảng gia tăng.
Hậu quả của khủng hoảng tài chính
Thứ nhất, dưới tác động của khủng hoảng tài chính, các hoạt động thương mại, đầu tư, đến tiêu dùng của mỗi quốc gia đều sụt giảm một cách mạnh mẽ, dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế của mỗi nước. Thậm chí, nhiều nước bị lâm vào tình trạng phá sản cấp quốc gia.
Khủng hoảng tài chính gây ra những ảnh hưởng vĩ mô nghiêm trọng, các cân đối vĩ mô bị phá vỡ, đồng tiền bị mất giá trị, tỷ giá hối đoái biến động đột ngột theo chiều hướng phá giá, lạm phát tăng cao và phi mã xuất hiện, gánh nặng nợ công tăng nhanh, thị trường chứng khoán nhanh chóng sụp đổ, tài sản ở các quốc gia bị giảm giá mạnh, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng và các định chế tài chính phá sản, tình trạng mất việc làm và thất nghiệp tăng cao, hàng triệu người bị lâm vào cảnh đói nghèo, rối loạn và xung đột xã hội nảy sinh dẫn đến bạo loạn và chiến tranh xuất hiện.
Thứ hai, khủng hoảng tài chính có tác động phức tạp đến an ninh, quốc phòng và bảo vệ quốc gia. Có thể liệt kê một số ảnh hưởng như:
- Nguồn lực kinh tế bị giảm sút, tiềm lực an ninh, quốc phòng của các quốc gia bị thu hẹp.
- Xã hội biến đổi phức tạp sẽ đe doạ tới sức mạnh an ninh – quốc phòng.
- Rối loạn toàn cầu, xung đột xảy ra ở nhiều nơi sẽ tác động mạnh đến an ninh – quốc phòng và bảo vệ tổ quốc của mỗi đất nước.
- Khủng bố và di chuyển dân cư làm cho quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia bị bất ổn.
Danh sách các cuộc khủng hoảng tài chính đáng nhớ trong lịch sử
Thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra tại nhiều địa điểm, nhiều khu vực khác nhau. Dưới đây là những cuộc khủng hoảng lớn và để lại hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Thế kỷ XXIII – Khủng hoảng tín dụng năm 1772
Cuộc khủng hoảng này bùng nổ khi các ngân hàng ở Anh không còn khả năng thanh toán. Vào những năm 1760 – 1770, đế quốc Anh đã trở nên vô cùng giàu có nhờ vào thương mại và số lượng lớn thuộc địa chiếm được trên toàn thế giới. Vì vậy, các ngân hàng Anh đã áp dụng chính sách cho vay dễ dàng nhằm mở rộng tín dụng, thu về lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên vào ngày 8/6/1772 một biến cố lớn đã xảy ra, Alexander Fordyce – một đối tác lớn của các ngân hàng Anh đã bỏ chạy sang Pháp để trốn khoản nợ khổng lồ của mình. Tin tức lan truyền nhanh chóng, hàng ngàn người xếp hàng trước cửa các ngân hàng đòi rút tiền.
Ngân hàng bỗng chốc bị thất thủ, không có khả năng thanh toán và 20 ngân hàng đã bị phá sản ngay sau đó. Cuộc khủng hoảng này còn lan rộng tới phần lớn các quốc gia Châu Âu. Đây được xem là nguyên nhân dẫn tới sự kiện “Tiệc trà Boston” và Cách mạng Mỹ.
Thế kỷ XIX – Suy thoái kéo dài ở Châu Âu và Bắc Mỹ
Lạm phát và hiện tượng đầu cơ tràn lan vào lĩnh vực đường sắt ở Mỹ cùng với sự phá giá tiền tệ tại Đức đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính lớn vào năm 1873. Cuộc khủng hoảng này được xem là ngòi nổ kích hoạt chuỗi suy thoái kinh tế kéo dài ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Cuộc chiến tranh Pháp – Phổ và cuộc hỏa hoạn lớn của Chicago và Boston năm 1871 cũng được xem là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này.
Hơn 18.000 doanh nghiệp, 10 bang và hàng trăm ngân hàng tại Mỹ bị phá sản, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên đến 14%. Vương quốc Anh được xem là quốc gia phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng khi phải trải qua sự suy thoái kéo dài và đánh mất vị trí dẫn đầu về công nghiệp ở Châu Âu. Ở một số quốc gia khác, cuộc suy thoái này được gọi là Đại suy thoái lúc bấy giờ.
Thế kỷ XX – Đại khủng hoảng 1929 – 1939
Nguyên nhân xảy ra cuộc khủng hoảng này là do bong bóng đầu cơ chứng khoán xuất hiện từ đầu năm 1920. Hàng nghìn người đổ xô tham gia vào thị trường chứng khoán với tham vọng làm giàu nhanh chóng. Họ dồn hết tất cả tài sản, thậm chí vay ngân hàng để đầu tư. Bong bóng ngày một lớn dần và mất kiểm soát. Ngày 24/10/1929 được xem là ngày đen tối khi bảng niêm yết giá chứng khoán bất ngờ sụp đổ, thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào hỗn loạn. Sự hoảng loạn nhanh chóng lan rộng trên khắp đường phố New York và toàn nước Mỹ.
Sau sự việc này, cơn sốt chứng khoán chính thức chấm dứt, hàng trăm ngàn nhà đầu tư trắng tay, nhiều ngân hàng và công ty bị phá sản. Không dừng lại ở đó, hậu quả khủng hoảng tài chính này còn tiếp tục tàn phá nền kinh tế Mỹ trong suốt 10 năm sau đó.
Thế kỷ XX – Cú sốc giá dầu OPEC 1973
Xuất phát từ nguyên nhân xung đột với Mỹ ngày càng căng thẳng, các quốc gia vùng Vịnh (OPEC) đã tuyên bố ngừng việc vận chuyển, xuất khẩu dầu mỏ cho Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ.
Sự kiện này dẫn đến tình trạng thiếu dầu trầm trọng, giá dầu tăng cao đột biến. Thiếu nguồn cung năng lượng khiến giá năng lượng tăng cao, nền kinh tế bị đình trệ, lạm phát xuất hiện và ngày một trầm trọng hơn.
Thế kỷ XX – Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997
Thập niên 1990, một số quốc gia Châu Á điển hình như Thái Lan, Malaysia, Philippin, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, đặc biệt trên thị trường tài chính. Rất nhiều nguồn vốn nước ngoài đổ xô vào những nước này, nhiều nhất là nguồn đầu tư tài chính ngắn hạn.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, giá trị đồng nội tệ gắn chặt và phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, sản xuất cũng chỉ tập trung xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điều này giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng nhưng lại bị phụ thuộc vào sự thay đổi của đô la Mỹ.
Giữa năm 1990, FED tuyên bố tăng lãi suất, đồng đô la tăng giá, nguồn đầu tư khắp nơi lại đổ dồn về Mỹ. Để có thể giữ chân nhà đầu tư, các quốc gia Đông Á tiếp tục tăng lãi suất, giá nội tệ vì thế cũng tăng theo. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế này hoàn toàn phụ thuộc vào bên ngoài, năng lực sản xuất trong nước không theo kịp.
Kết quả, từ tháng 7/1997, đồng Bath của Thái Lan bị giao bán tràn lan trên thị trường khiến giá trị Bath giảm mạnh. Để giải quyết vấn đề này Chính phủ Thái Lan đã cố gắng mua vào nội tệ nhưng không thành công. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Thái Lan, rồi lan rộng sang các nước ASEAN sau đó tới Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thế kỷ XXI – Khủng hoảng tài chính năm 2007-2008
Giai đoạn 2007 – 2008, nhận thấy giá nhà đất tăng cao, cơ hội kiếm lời lớn, nhiều người đã tham gia vào thị trường bất động sản. Các ngân hàng Mỹ cho phép một số lượng lớn những người không có khả năng chi trả khoản nợ vay thế chấp mua nhà với lãi suất cao. Đây được cho là nguyên nhân gây nên khủng hoảng tài chính 2008.
Bong bóng nổ khi giá nhà chạm đáy, nhiều người trắng tay, không có khả năng trả khoản nợ đã vay. Kéo theo đó, các khoản nợ tín dụng không thể thanh toán khiến bong bóng tài chính bùng nổ. Hàng triệu người bị mất nhà cửa, thị trường chứng khoán sụp đổ.
Hàng triệu người bị thất nghiệp, hệ thống ngân hàng khủng hoảng, nhất là ngân hàng Lehman Brothers – một trong những nhân hàng đầu tư lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Cuộc khủng hoảng này nhanh chóng lan rộng sang các quốc gia khác khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia suy thoái.
Một số hướng giải quyết khủng hoảng tài chính
Có 2 hướng giải quyết phổ biến nhất cho tình trạng khủng hoảng tài chính sau đây:
Thứ nhất, nhanh chóng giải quyết khủng hoảng thanh toán để giảm các thiệt hại gây ra. Bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức, công ty đang vay vốn ngân hàng và có nguy cơ không thể trả nợ phải đánh giá lại tài sản của mình, tiến hành cơ cấu lại nợ để giảm gánh nặng cho ngân hàng.
Thứ hai, gấp rút cung cấp thanh khoản cho thị trường và thuyết phục mọi người không nên bán tài sản của mình. Cách này dùng để giải quyết thiếu hụt thanh khoản và giảm nỗi hoảng sợ về thanh khoản của thị trường, theo đó:
Ngân hàng trung ương sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở, cung cấp số lượng lớn thanh khoản cho thị trường. Ngân hàng trung ương sẽ cho các ngân hàng thương mại vay tiền để giải quyết thanh khoản. Từ đó, tiền sẽ được tự động phân bổ, lưu thông trong nền kinh tế, nhằm đảm bảo nền kinh tế hoạt động ổn định.
Chính phủ cần xây dựng cơ chế bảo hiểm tiền gửi cho người dân, tránh xảy ra tình trạng rút tiền ồ ạt. Tăng lãi suất tiền gửi là một trong những biện pháp được sử dụng phổ biến lúc này.
Kết luận
Hy vọng với những thông tin mà 3Gang cung cấp trong bài viết, sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về khủng hoảng tài chính và các nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Qua đó xây dựng được chiến lược kinh doanh, đầu tư phù hợp, không để tâm lý hoang mang, lo lắng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của mình.