Thương phiếu được hiểu là một loại chứng từ có giá trị, nó được sử dụng trong lĩnh vực đầu tư tài chính và thanh toán quốc tế. Thương phiếu có nhiều loại khác nhau và chúng đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường tài chính. Vậy cụ thể thì thương phiếu là gì? Thương phiếu gồm những loại nào và đặc điểm của loại chứng từ này là gì? Mời bạn cùng 3Gang tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!
Ứng dụng đi bộ kiếm tiền là gì? Top các app đi bộ kiếm tiền uy tín 2024
1. Thương phiếu là gì?
Thương phiếu được biết đến với tên gọi khác là kỳ phiếu thương mại và trong tiếng Anh được gọi là Commercial Paper. Đây là giấy nhận nợ do các công ty có uy tín phát hành với mục đích vay vốn ngắn hạn từ thị trường tài chính. Thương phiếu thường được phát hành theo hình thức chiết khấu, tức là nó được bán với giá thấp hơn mệnh giá. Sự chênh lệch giữa giá mua và mệnh giá thương phiếu được xem là thu nhập của người sở hữu thương phiếu.
2. Ưu điểm và nhược điểm của thương phiếu
2.1 Ưu điểm của thương phiếu
Thương phiếu được xem là công cụ lưu thông tín dụng thay thế cho tiền mặt và nó góp phần ổn định tiền tệ.
Thương phiếu chính là cơ sở pháp lý trong quan hệ mua bán chịu, nó giúp đảm bảo quyền lợi của các bên trong tín dụng thương mại.
Thương phiếu được xem là loại tài sản đảm bảo chắc chắn và có tính thanh khoản cao, nhà đầu tư có thể thực hiện cầm cố vay vốn tại ngân hàng và ngân hàng cũng có thể mang đi tái chiết khấu, tái cầm cố tại Ngân hàng Nhà nước để có thể phục hồi nguồn vốn.
Trong trường hợp chủ thể vay vốn ngân hàng nhận nợ bằng lệnh phiếu thì ngân hàng có thể bán khoản nợ này (Hay chuyển nhượng lệnh phiếu) cho một ngân hàng khác để thu nợ trước hạn.
Thương phiếu giúp ngân hàng tăng thu nhập thông qua nghiệp vụ bảo lãnh và thu hộ và không làm tăng rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
2.2 Nhược điểm của thương phiếu
Quan hệ mua bán chịu này chỉ có thể phát sinh giữa các doanh nghiệp có uy tín và thường xuyên giao dịch với nhau.
Do tính trừu tượng của thương phiếu vậy nên tình trạng hai doanh nghiệp thông đồng với nhau để lập ra thương phiếu (không thông qua mua bán) rồi đem chiết khấu và cầm cố tại ngân hàng có thể xảy ra.
Nếu nhu cầu mua chịu quá lớn hoặc là thời gian quá dài sẽ khó có thể mở rộng quy mô thương phiếu.
3. Đặc điểm của thương phiếu
3.1 Thương phiếu được hình thành từ giao dịch cơ sở
Giao dịch cơ sở của thương phiếu được hiểu là những hợp đồng thương mại có quy định quyền và nghĩa vụ của hai bên mua và bán như sau: Người bán có nghĩa vụ giao hàng và có quyền được nhận tiền thanh toán từ người mua và người mua có nghĩa vụ thanh toán và có quyền nhận hàng từ người bán.
Kim tứ đồ là gì? Bí quyết nào để nhanh chóng đạt tự do tài chính
3.1 Thương phiếu có tính trừu tượng
Trong lưu thông thì giá trị pháp lý của thương phiếu không bị ràng buộc bởi nguyên nhân nào phát sinh ra nghĩa vụ trả tiền. Khoản nợ ghi trên thương phiếu hoàn toàn độc lập và không hề phụ thuộc vào sự tồn tại hay không tồn tại của giao dịch cơ sở. Vậy nên thương phiếu mang tính trừu tượng cao.
3.2 Thương phiếu mang tính bắt buộc
Pháp luật có quy định người vay phải thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng đúng hạn, người vay không được từ chối hay trì hoãn việc trả tiền trừ khi đã có thỏa thuận khác.
3.3 Thương phiếu có tính lưu thông
Thương phiếu có thể chuyển nhượng từ người này sang người khác trong thời hạn có hiệu lực, được cầm cố và thế chấp để vay vốn tại Ngân hàng thương mại hay chiết khấu tại Ngân hàng thương mại hoặc tái chiết khấu tại Ngân hàng Trung ương.
4. Phân loại thương phiếu
Dựa trên cơ sở người lập thì thương phiếu gồm 2 loại như sau:
- Hối phiếu: Đây là chứng chỉ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phải thanh toán không điều kiện một khoản tiền xác định khi có yêu cầu hoặc là vào một thời gian nhất định ở tương lai cho người thụ hưởng.
Hối phiếu cần đảm bảo những nội dung như sau:
– Tiêu đề: Cụm từ “Hối phiếu đòi nợ” phải được ghi trên mặt trước của hối phiếu đòi nợ hoặc “Hối phiếu nhận nợ” phải được ghi trên mặt trước của hối phiếu nhận nợ.
– Yêu cầu thanh toán hoặc là cam kết thanh toán không điều kiện một số tiền xác định: Số tiền này phải ghi rõ ràng, đơn giản, đúng tập quán quốc tế và phải được ghi cả bằng số cũng như bằng chữ. Khi số tiền trên hối phiếu được ghi bằng số khác với số tiền được ghi bằng chữ thì số tiền ghi bằng chữ sẽ có giá trị thanh toán. Trường hợp số tiền trên hối phiếu được ghi từ hai lần trở lên bằng chữ hoặc bằng số và chúng lại có sự khác nhau thì số tiền có giá trị nhỏ nhất được ghi bằng chữ sẽ có giá trị thanh toán.
– Thời hạn thanh toán: Nếu thời hạn thanh toán không được ghi trên hối phiếu đòi nợ thì hối phiếu này sẽ được thanh toán ngay khi xuất trình.
– Địa điểm thanh toán: Địa điểm thanh toán nếu không được ghi trên hối phiếu thì hối phiếu đó sẽ được thanh toán tại địa chỉ của người bị ký phát (đối với hối phiếu đòi nợ) hoặc là người phát hành (đối với hối phiếu nhận nợ).
– Tên tổ chức hoặc họ, tên cá nhân, địa chỉ của người bị ký phát (đối với hối phiếu đòi nợ) hoặc người phát hành (đối với hối phiếu nhận nợ).
– Địa điểm và ngày ký phát: Địa điểm ký phát nếu không được ghi cụ thể trên hối phiếu đòi nợ thì hối phiếu này được coi là ký phát tại địa chỉ của người ký phát nếu là hối phiếu đòi nợ hoặc địa chỉ của người phát hành nếu là hối phiếu nhận nợ.
– Tên tổ chức hoặc họ, tên cá nhân, địa chỉ và chữ ký của người ký phát hoặc người phát hành.
- Lệnh phiếu: Đây là chứng chỉ có giá do người phát hành lập, cam kết thanh toán không điều kiện một khoản tiền xác định khi có yêu cầu hoặc là vào một thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng.
Lệnh phiếu cần đảm bảo những nội dung như sau:
– Từ “Lệnh phiếu” phải được ghi ở mặt trước của lệnh phiếu;
– Cam kết chi trả không điều kiện một khoản tiền xác định;
– Thời hạn thanh toán của lệnh phiếu;
– Địa điểm thanh toán của lệnh phiếu;
– Tên và địa chỉ người thụ hưởng;
– Địa điểm và ngày ký phát hành;
– Tên, địa chỉ và chữ ký người phát hành.
Dựa theo phương thức chuyển nhượng thì thương phiếu gồm 3 loại:
- Thương phiếu vô danh: Đây là loại thương phiếu không ghi rõ họ tên người thụ hưởng.
- Thương phiếu đích danh: Đây là loại thương phiếu có ghi tên người thụ hưởng.
- Thương phiếu ký danh: Đây là loại thương phiếu có ghi tên người thụ hưởng và có quyền chuyển nhượng.
5. Phát hành thương phiếu
Phát hành thương phiếu được hiểu là việc lập, ký và chuyển giao thương phiếu lần đầu của người ký phát hoặc là người phát hành cho người thụ hưởng.
Vậy khi nào doanh nghiệp nên phát hành thương phiếu?
Thương phiếu thường được phát hành trong một khoảng thời gian ngắn và chúng được coi là khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Việc phát hành thương phiếu xảy ra khi doanh nghiệp cần ngay một khoản tiền lớn để phục vụ cho sản xuất. Vậy tại sao doanh nghiệp lại không đi vay ngân hàng? Như các bạn đã biết thì thủ tục của vay vốn ở ngân hàng khá phức tạp và tốn thời gian. Điều này không thể đáp ứng được nhu cầu cần vốn ngay và tức thời của doanh nghiệp, vậy cho nên việc phát hành thương phiếu là cực kỳ có lợi.
Người phát hành thương phiếu là người lập và ký phát hành lệnh phiếu. Theo quy định của Pháp luật thì:
– Người ký phát, người phát hành thương phiếu quy định phải là các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay công ty hợp danh, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và hợp tác xã.
– Tổ chức tín dụng không phải là người ký phát hay người phát hành.
6. Mục đích phát hành thương phiếu là gì?
Mục đích của việc phát hành thương phiếu cụ thể như sau:
– Bổ sung nguồn vốn ngắn hạn phục vụ nhu cầu vốn lưu động có tính chất mùa vụ.
– Tài trợ bắc cầu, việc này được hiểu là việc huy động vốn sở hữu hay nợ ngắn hạn trong thời gian từ 6 đến 18 tháng của một đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng hay phát hành tư nhân dự kiến, nhằm mục đích “bắc cầu” cho công ty đến với đợt huy động vốn tiếp theo.
Giả sử rằng một doanh nghiệp cần có nguồn tiền dài hạn để xây dựng một nhà máy hay mua thiết bị, thay vì huy động nguồn tiền dài hạn ngay tức thời thì doanh nghiệp có thể trì hoãn việc huy động này cho đến khi nào tình hình thị trường vốn thuận lợi hơn. Nguồn tiền huy động được thông qua phát hành thương phiếu sẽ được sử dụng cho đến khi doanh nghiệp bán ra các chứng khoán dài hạn hơn. Thương phiếu đôi khi đóng vai trò tài trợ bắc cầu để tài trợ cho một doanh nghiệp đi mua lại một doanh nghiệp khác.
7. Hình thức phát hành thương phiếu
Thương phiếu sẽ được phát hành theo hình thức chiết khấu, tức là nó được bán với giá thấp hơn mệnh giá. Sự chênh lệch giữa giá mua và mệnh giá thương phiếu chính là lợi nhuận của người sở hữu thương phiếu.
Thương phiếu phải được lập theo mẫu in sẵn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và phải được lập bằng tiếng Việt. Trong trường hợp có thêm yếu tố nước ngoài thì thương phiếu phải được lập bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Việc sử dụng các hình thức thông tin điện tử trong thương phiếu phải được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
8. Kỳ hạn phát hành thương phiếu
Thời hạn thanh toán thương phiếu cụ thể sẽ do người thụ hưởng và người ký phát hoặc người phát hành xác định theo một trong các thời hạn dưới đây:
– Ngay khi xuất trình.
– Sau một thời hạn nhất định, tính từ ngày hối phiếu được chấp nhận.
– Sau một thời hạn nhất định, tính từ ngày ký phát hành.
– Thanh toán vào một ngày xác định cụ thể.
Thời hạn thanh toán thương phiếu, thời hạn truy đòi và thời hạn khởi kiện khi có tranh chấp về thương phiếu được tính cả ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ cuối tuần; nếu ngày cuối cùng của thời hạn trùng vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần thì sẽ được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo.
9. Thương phiếu có phải là chứng khoán hay không?
Theo luật Chứng khoán có quy định: Chứng khoán chính là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với phần vốn hoặc là tài sản của tổ chức phát hành, nó được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi sổ.
Chứng khoán bao gồm cả cổ phiếu, các loại trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền, quyền mua cổ phần, quyền chọn mua – chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán.
Thương phiếu cũng là một loại chứng khoán của thị trường tiền tệ, nó được phát hành bởi tập đoàn lớn hoặc công ty uy tín với mục đích huy động nguồn vốn ngắn hạn để đáp ứng các nghĩa vụ nợ. Thương phiếu chỉ được hỗ trợ bởi một ngân hàng phát hành hoặc là một công ty cam kết thanh toán vào ngày đáo hạn.
10. Thương phiếu ở Việt Nam hiện nay
– Thương phiếu chủ yếu được sử dụng trong hoạt động thanh toán quốc tế
– Thương phiếu rất ít được sử dụng trong thương mại nội địa.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà 3Gang muốn gửi đến bạn về chủ đề thương phiếu là gì. Hy vọng thông qua bài viết của chúng tôi, bạn đọc có thể tìm kiếm được những thông tin cần thiết để phục vụ cho mình. 3Gang cảm ơn và hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!