Quy tắc 50/20/30 được xem là kế hoạch đơn giản, trực quan, giúp mọi người đạt được mục tiêu tài chính. Cuối năm, trang bị cho mình quy tắc này sẽ giúp việc quản lý tài chính cá nhân trong năm mới của bạn hiệu quả hơn, từ đó tối ưu hóa khoản tiền kiếm được.
Tại sao cần nắm được quy tắc 50/20/30?
Kiếm tiền đã khó nhưng việc quản lý tiền càng khó hơn. Kể cả với những người có thu nhập cao hoặc thu nhập thấp thì vấn đề này đều rất quan trọng. Do đó, việc nắm được quy tắc 50/30/20 sẽ giúp bạn “gỡ rối” một cách hiệu quả vấn đề này. Từ đó hạn chế tình trạng căng thẳng, rơi vào stress, áp lực thiếu tiền, kiếm tiền nhưng việc sử dụng không đạt hiệu quả.
Vậy, khi nào có thể áp dụng quy tắc 50/20/30? Câu trả lời là ngay bây giờ. Bất cứ hoạt động liên quan đến tài chính, đến các khoản chi trả đều có thể áp dụng quy tắc này. Quy tắc được thiết kế đơn giản, dựa trên chính cuộc sống hiện đại, bao gồm: mức sống, nhu cầu cá nhân và khả năng tích lũy, do đó, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau.
Nội dung quy tắc 50/20/30
Theo nguyên tắc này, khoản thu nhập sau khi trừ thuế thường được chia vào 3 nhóm, đó là: 50% dành cho nhu cầu, 30% dành cho mong muốn và 20% dùng để tiết kiệm.
50% nhu cầu
Khoản tiền trong nhóm 50% dùng để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu của bản thân, của gia đình. Một số hóa đơn mang tính chất cố định là: khoản chi phí nhà ở (hoặc tiền thuê nhà), chi phí đi lại, hàng hóa, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, thanh toán nợ hay các tiện ích khác… Những khoản chi phí này đều nhằm mục đích phục vụ trực tiếp đời sống và thường không có nhiều sự biến động giữa các tháng.
50% khoản thu nhập sau khi trừ thuế sử dụng để trang trải cho nhu cầu, chính vì thế, trong trường hợp bạn chi tiêu nhiều hơn so với nhu cầu cá nhân, hãy cố gắng cắt giảm hoặc thu hẹp chúng.
Dẫn chứng như việc: Khi có nhu cầu thuê nhà, bạn có thể tìm kiếm một căn nhà nhỏ hơn một chút để giảm bớt chi phí cũng như các khoản phải chi trả liên quan như: tiền điện, tiền nước…
30% mong muốn
Nhóm chi tiêu cho mong muốn không được xếp vào danh mục hàng hóa thiết yếu. Có thể kể đến như: vé xem phim, vé tham dự các sự kiện thể thao, du lịch, mua sắm đồ đạc, các thiết bị mới…
Nhóm 30% này là các khoản chi giúp cuộc sống thêm thú vị và có những trải nghiệm tuyệt vời. Khác với nhóm 50%, nhóm 30% mong muốn là các khoản chi có sự biến động giữa các tháng, nhiều hoặc ít phụ thuộc vào lối sống, sở thích của mỗi người.
20% tiết kiệm
Phân bổ 20% thu nhập sau khi trừ thuế cho các khoản tiết kiệm và đầu tư. Đây là khoản bổ sung sau khi mục nhu cầu và mong muốn được đáp ứng.
Bạn nên dành ra ít nhất khoảng 3 tháng tiền tiết kiệm nhằm ứng phó với các tình trạng khẩn cấp, sự cố bất ngờ. Sau đó, tập trung vào việc nghỉ hưu và đáp ứng các mục tiêu tài chính khác.
Quy tắc 50/20/30 là cơ sở để bạn có thể áp dụng. Tuy nhiên, tùy tổng thu nhập của mỗi người, nhu cầu sinh hoạt… để điều chỉnh linh hoạt, hợp lý. Ví dụ như: khoản chi cho mong muốn ít đi, bạn có thể để dành cho các khoản tích lũy và đầu tư. Khi đó tích lũy, đầu tư cần được áp dụng nguyên tắc an toàn. Có thể tìm đến các công cụ tiết kiệm như: app ngân hàng hoặc các app tiết kiệm đầu tư thuộc tổ chức uy tín, điều này giúp giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất có thể.