Ponzi là một mô hình đa cấp lừa đảo “khét tiếng” trên thị trường. Hãy cùng 3Gang tìm hiểu chi tiết về Ponzi cũng như đặc điểm, phương thức hoạt động cụ thể của Ponzi là như thế nào?
1. Khái niệm mô hình Ponzi là gì?
Mô hình Ponzi là một hình thức lừa đảo bằng cách sẽ lấy tiền của người này và trả lợi nhuận cho người khác. Mục đích là lôi kéo người tham gia vào và tổ chức thường đưa ra cam kết sẽ trả lãi cao cho những người góp vốn. Song song với đó, họ sẽ quảng cáo về những khoản lợi tức khủng mà nhiều người tham gia trước đã nhận được. Điều đó khiến những người bị lôi kéo sẽ động lòng rút ví. Khi đó, thì tổ chức càng huy động được nhiều vốn hơn.
Chủ của những mô hình Ponzi thường sẽ chọn các đối tượng là những nhà đầu tư mới còn “non và xanh” – những người có ít kinh nghiệm, dễ bị dụ bởi những khoản lợi nhuận trước mắt. Rất nhiều trường hợp các nhà đầu tư tham gia vào Ponzi nhưng không hề nhận ra được dấu hiệu lừa đảo vì mức ROI tiếng anh là Return Of Investment quá là hấp dẫn, khiến cho người tham gia đã bỏ qua đi sự rủi ro có thể gặp phải.
Tại Việt Nam, những mô hình huy động vốn dựa trên mô hình Ponzi này được phát triển và biến tướng không ngừng khiến cho rất nhiều người bị lừa, gia đình trong tình trạng nợ nần chồng chất.
2. Lịch sử ra đời của mô hình Ponzi như thế nào?
Ponzi cái tên này cũng được lấy từ tên của người đàn ông đã áp dụng mô hình này lần đầu tiên. Đây là một cú lừa thế kỷ đã lừa được với số tiền lên đến 15 triệu USD của rất nhiều nhà đầu tư và đã khiến cho 6 ngân hàng phải phá sản.
Charles Ponzi trong tiếng Ý gọi là Carlo Ponzi, ông sinh ngày 03 tháng 03 năm 1882 ở Lugo, Italia. Thời niên thiếu ông là một công nhân bưu điện tại địa phương, nhưng sau đó thì đã bỏ ngang công việc, theo học tại trường Đại học Roma La Sapienza. Bạn bè của ông cho rằng nhập học tại ngôi trường này cũng tương tự như một kỳ nghỉ mát 4 năm. Nên phần lớn khoảng thời gian của ông đều ăn chơi, lêu lỏng cùng với bạn bè ở những quán bar, cà phê và opera.
Vốn dĩ tình hình kinh tế gia đình của ông không có gì đặc biệt, hay thậm chí còn thuộc vào tầng lớp nghèo của xã hội, do không có tiền đóng học phí nên ông đã quyết định bỏ học ngang.
Vào năm 1903, ông được cha động viên nên đã quyết định lên con tàu S.S Vancouver đến nước Mỹ. Do cha ông nói với Ponzi rằng ở Mỹ, trên các vỉa hè cũng được dát vàng khiến cho ông tin vào giấc mơ Mỹ là có thật.
Khi đặt chân đến nước Mỹ, trong người của Ponzi chỉ có vỏn vẹn có 2,5 USD để bắt đầu cho một cuộc sống mới. Ông đi xin việc và làm đủ mọi thứ nghề từ rửa bát thuê đến việc bồi bàn để kiếm sống.
Năm 1907, ông đã bị nhà hàng cho đuổi việc do thường xuyên cố tình trả tiền thiếu cho khách hàng để bỏ túi riêng. Hay thậm chí ông còn sinh ra tật ăn cắp vặt của nhà hàng.
Sau khi bị đuổi việc thì ông tìm đến Montreal ở Canada và xin việc tại Banco Zorossi, đây là một ngân hàng mới khai trương của ông chủ Luigi Zorossi. Do ngân hàng Banco Zorossi này chủ yếu phục vụ về dịch vụ tín dụng cho cộng đồng Ý mới nhập cư tại đây. Và với lợi thế tiếng Ý nên Charles Ponzi đã được nhận vào làm tại ngân hàng.
Sau khi đã làm được một thời gian thì Charles Ponzi nhận ra rằng, ngân hàng Banco Zorossi này phát triển nhanh chóng là do ngân hàng đã trả lãi suất huy động vốn lên đến 6%, cao hơn gấp 3 lần so với nhiều ngân hàng khác. Còn những khách hàng đi vay thì chỉ đầu tư vào bất động sản, nhiều khoản vay đến hạn không có khả năng để đáo hạn nên chắc chắn ngân hàng này có thể sẽ vỡ nợ.
Đúng như Charles Ponzi đã dự đoán, không lâu sau thì ngân hàng này tuyên bố phá sản và ông chủ ngân hàng Luigi Zorossi đã phải bỏ trốn sang Mexico. Ngay sau đó, Charles Ponzi đã tìm cách quay trở lại Mỹ để tiếp tục với giấc mơ Mỹ.
Trước khi đến nước Mỹ thì trong một lần lang thang quay lại chính văn phòng làm việc của ngân hàng, thì ông vô tình nhặt được cuốn séc trắng của Luigi Zorossi. Charles Ponzi đã giả chữ ký của ông chủ ngân hàng cũ và ghi vào đó số tiền là 423,58 USD để thanh toán cho việc mua hàng hoá. Cảnh sát Montreal đã nhanh chóng phát hiện và bắt giam ông với 3 năm tù tại Canada.
Năm 1911, ngay sau khi ra tù ông đã quyết tâm quay lại Mỹ, bằng cách tham gia vào cuộc nhập cư trái phép. Chính vì vậy mà ông được vào nước Mỹ nhưng bị bắt giam với 2 năm vì tội danh trên. Trong nhà tù, Charles Ponzi làm phiên dịch tiếng Ý cho một tên cai quản ở tù để đọc và phiên dịch những lá thư tiếng Ý được gửi vào.
Sau khi hết hạn tù và ông được trả tự do và quay trở lại cuộc sống thường ngày. Ông xin vào làm tại một công ty bưu chính viễn thông và nhận thấy có 1 cơ hội kinh doanh táo bạo vào năm 1919.
Charles Ponzi nhận thấy giá tem IRC – đây là một loại tem bắt buộc cần phải có để dán lên thư nếu bạn muốn gửi và nhận thư tại Mỹ và nó có giá cao gấp 6 lần giá tem IRC tại những quốc gia khác. Charles Ponzi đã liên hệ với nhiều đại lý thu mua tại những quốc gia khác nhau như Tây Ban Nha và tìm ra cách nhập trái phép tem IRC vào nước Mỹ để bán.
Cơ hội kinh doanh đến với Charles Ponzi nhưng với lòng tham quá lớn, ông đã đi kêu gọi và huy động vốn để kinh doanh team IRC, và đã thành lập nên công ty với mục đích kế hoạch kinh doanh mà ông và các nhà đầu tư cho rằng nó tuyệt vời. Tiền liên tục được đổ vào công ty, nhưng thay vì lấy tiền đó để đi mua tem IRC thì ông lại lấy số tiền của người sau để trả cho những người trước.
Nhận được khoản tiền lãi, các nhà đầu tư lại tiếp tục đổ tiền vào công ty của Charles Ponzi. Con số đã có lúc lên đến 15 triệu USD, tương đương khoảng 1 tỷ USD. Cho đến năm 1920, nhiều chuyên gia đã bắt đầu tìm hiểu cách thức hoạt động của công ty Charles Ponzi và đã nhận thấy rất nhiều bất ổn.
Cho đến ngày 13.8.1920, Charles Ponzi đã bị bắt với cáo buộc phạm phải 86 tội danh về hình thức lừa đảo. Và mô hình Ponzi của ông cũng chính thức bị sụp đổ.
3. Mô hình Ponzi hoạt động như thế nào?
Để mô hình Ponzi được hoạt động một cách trơn tru và kêu gọi được với số tiền lớn đòi hỏi cần phải có sự tham gia cùng lúc của 3 đối tượng như sau:
1. Schemer – Kẻ chủ mưu cho các kế hoạch Ponzi
Schemer Ponzi là những kẻ đứng đầu, là chủ mưu lập nên các kế hoạch Ponzi để lừa đảo nhiều nhà đầu tư. Những người này thường sẽ xây dựng một hình ảnh của các doanh nhân thành đạt và có một background bịa đặt cực kỳ là khủng. Đặc biệt, họ có tài ăn nói và một cái đầu cực kỳ là thông minh.
Schemer: Ponzi hoàn toàn có thể lập nên một kế hoạch hoạt động kinh doanh chi tiết và hợp lý đến mức nhiều người khác khi nghe vào kế hoạch đó đều muốn tham gia ngay lập tức.
2. Investor – Những nhà đầu tư
Investor là các nhà đầu tư có tiền và thứ mà họ quan tâm chỉ là khoản lợi nhuận. Chấp nhận đi trước và chấp nhận rủi ro để đầu tư vào những mô hình kinh doanh mới táo bạo hơn.
Là những người đầu tiên, tiên phong bơm dòng vốn vào hệ thống Ponzi để nó bắt đầu hoạt động, để nó bắt đầu thu hút những nhà đầu tư với khao khát khác tham gia vào hệ thống này.
3. Ponzi Introducing Investor – Những người giới thiệu
Introducing Investor là những người bỏ tiền rất ít vào mạng lưới, nhưng ngược lại thì rất tích cực đi giới thiệu nhiều người khác tham gia vào để có được khoản hoa hồng giới thiệu. Đây là một lực lượng rất đông đảo, họ làm việc hết mình và hăng say, họ không quan tâm đến hậu quả.
Introducing Investor được coi là lực lượng nòng cốt để mô hình Ponzi này trở lên lớn mạnh và ngày càng phình to. Với các đối tượng này, họ chỉ có một phương châm, một kim chỉ nam duy nhất đó là: Cứ giới thiệu người là có tiền.
4. Đặc điểm của mô hình Ponzi là gì?
Mô hình Ponzi có đặc điểm yêu cầu khoản đầu tư vào ban đầu và đưa ra những lời hứa hẹn lợi nhuận trên mức trung bình hay thậm chí là cao. Các Schemer thường xuyên sử dụng chiêu bài ngôn từ mơ hồ để mô tả về các chiến lược đầu tư, kế hoạch Ponzi của họ. Đặc biệt, người nghe thì sẽ được hứa hẹn về mức lợi nhuận rất hấp dẫn, mức lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất thông thường.
Mô hình Ponzi thì đã tồn tại gần 100 năm, và mỗi năm trên thế giới, có không ít các nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của mô hình Ponzi này. Chiêu trò lừa đảo này cũng càng ngày càng biến tướng thành những hình thức tinh vi và có thủ đoạn hơn. Tuy nhiên, dù có thiên biến vạn hóa đến đâu, thì những Ponzi này vẫn có những đặc điểm giống nhau nhất định.
Với một người mới có rất ít kinh nghiệm hay ngay cả những người có tuổi đời lâu năm trên thị trường tài chính cũng rất dễ bị qua mắt, bị thu hút bởi chính mức lợi nhuận “khủng” và dần dần tin tưởng, đặt hy vọng về chiến lược Ponzi này.
Những nhà điều hành lợi dụng sự thiếu hụt kiến thức và năng lực của những người giao dịch mới, đôi khi họ tuyên bố sử dụng những chiến lược độc quyền, các bí mật để tránh phải công khai thông tin, các mô hình nhằm qua mắt của các nhà đầu tư.
Dưới đây là một số những đặc điểm cơ bản mà chúng ta có thể nhận biết mô hình Ponzi nếu được “mời gọi” như sau:
- Nhà điều hành – schemer sẽ chi trả lợi nhuận cao để thu hút các nhà đầu tư mới, lôi kéo nhiều nhà đầu tư hiện tại để đổ thêm tiền vào. Lâu dần thì việc này sẽ hình thành một hiệu ứng “thác”. Khi đó schemer sẽ lấy chính số tiền của những người mới để chi trả cho nhà đầu tư ban đầu và sẽ ngụy trang đây là khoản lợi nhuận.
- Khi mức lợi nhuận càng cao, thì lúc đó xu hướng các nhà đầu tư để tiền của họ vào mô hình này sẽ càng nhiều, họ sẽ không thật sự còn cần nhận lại lợi nhuận và rút ra mà họ lựa chọn tiếp tục để tiền ở đó để tích lũy khoản tiền lãi. Cho nên thực tế thì schemer không hề trả tiền mà chỉ cần gửi những báo cáo cho nhà đầu tư biết đã kiếm được bao nhiêu tiền.
- Sau đó các nhà đầu tư có thể sẽ không rút được tiền dù mô hình Ponzi chưa sụp đổ. Các Schemer sẽ cố gắng giảm thiểu tối đa việc rút tiền bằng cách ra một bản kế hoạch mới với các nội dung là nơi không thể rút tiền trong một khoảng thời gian nhất định sẽ đổi lấy được mức lợi nhuận cao hơn.
- Một trường hợp ngược lại, đó là nhà đầu tư dễ dàng rút được tiền khi làm theo những quy định, làm theo các điều khoản được đưa ra, giao dịch được xử lý nhanh chóng. Người giao dịch lúc đó dễ ảo tưởng rằng nơi này có khả năng thanh toán và nguồn tài chính ổn định, từ đó sẽ yên tâm khi đổ tiền của mình vào.
Trên thực tế thì mô hình Ponzi còn được áp dụng ngụy tạo thành các phương tiện đầu tư hợp pháp. Xét trường hợp của những quỹ đầu cơ, thì khi họ bị mất tiền bất ngờ hoặc không kiếm được mức lợi nhuận, thì nhà điều hành sẽ ngụy tạo khoản lợi nhuận hoặc tạo ra các báo cáo tài chính gian lận, thay vì sẽ thừa nhận rằng không đáp ứng được kỳ vọng trong quá trình đầu tư. Thì một thời gian dài sau đó các hoạt động này sẽ bị biến chất và dần trở thành mô hình Ponzi.
5. Những nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư dễ rơi vào bẫy Ponzi là gì?
Nguyên nhân lớn nhất khiến cho các nhà đầu tư rất dễ rơi vào bẫy Ponzi đó chính là do thiếu nền tảng kiến thức và thiếu kinh nghiệm khi tham gia vào thị trường. Các nhà đầu tư dễ dàng bị qua mắt bởi những lời nói, những ngôn từ hoa mỹ, dễ bị tác động đến tâm lý, bị cuốn hút bởi mức lợi nhuận quá hấp dẫn mà nghe thấy.
Tiếp theo đó là do bí quyết “mồi chài” rất là chuyên nghiệp của các Schemer, không chỉ một người mà rất nhiều người cùng hợp tác, lúc đó các nhà đầu tư chỉ biết đi theo con đường mà họ đã vẽ ra.
Ai cũng biết rằng lợi nhuận đi kèm với sự rủi ro, trong thị trường Crypto thì ROI và tỷ lệ rủi ro là điều luôn được quan tâm hàng đầu. Và với mô hình Ponzi thì dù tỷ lệ rủi ro rất là cao nhưng ROI lại được cam kết ngay từ ban đầu, cùng với những sự hứa hẹn quá hấp dẫn nên nhà đầu tư rất dễ rơi vào bẫy Ponzi.
6. Các dấu hiệu nhận biết những mô hình Ponzi đa cấp lừa đảo?
Khi Ponzi chết, hình thức lừa đảo Ponzi không biến mất mà nó đã thay đổi và biến tấu trở nên tinh vi hơn. Năm 2008, Bernard Madoff đã bị tố cáo sử dụng mô hình lừa đảo Ponzi để tạo ra những báo cáo giao dịch giả mạo để tạo niềm tin với nhiều nhà đầu tư. Dù mô hình Ponzi có thay đổi tinh vi đến mức nào thì chúng cũng vẫn có những điểm chung như sau:
- Cam kết mức lợi nhuận khủng
Với những mô hình kinh doanh được cam kết với mức lợi nhuận lên đến vài trăm % mỗi năm thì hầu hết 99% là những dự án Ponzi lừa đảo. Kể cả khi đó là một quỹ đầu tư số 1 thế giới cũng không dám đứng ra để cam kết với mức lợi nhuận trên 50% mỗi năm thì các dự án nhỏ bé cũng không có gì là chắc chắn để cam kết.
Những mô hình Ponzi thường đưa ra với mức lợi nhuận cực khủng nhằm mục đích làm mờ mắt nhà đầu tư. Chúng ta hãy cố gắng bình tĩnh và tiến hành phân tích dòng tiền của dự án xem tiền đó ở đâu mà họ trả cho bạn. Có như thế thì các nhà đầu tư mới có thể thấy được rõ ngọn ngành của một dự án.
- Không có hàng hoá lưu thông
Phần lớn những dự án Ponzi đều không có các sản phẩm lưu thông hoặc nếu có cũng chỉ là những sản phẩm tượng trưng. Với chất lượng rất thấp nhưng chúng lại được phóng đại công dụng của các sản phẩm.
Bất kỳ với một mô hình kinh doanh nào cũng phải bắt đầu từ các sản phẩm hoặc từ dịch vụ. Sản phẩm hoặc dịch vụ đó có tốt thì mô hình kinh doanh đó mới có khả năng để đi vào thị trường và tiếp cận được đến với khách hàng.
- Giá cả sản phẩm bị đội lên không giới hạn
Đây là một dấu hiệu rõ ràng rất để xem đó có phải là mô hình bán hàng đa cấp biến tướng hay không. Bán hàng đa cấp chính thống theo quy định thì giá cả của sản phẩm chỉ có 2 mức giá đó là giá người tiêu dùng và giá của nhà phân phối đây là giá của những người bán hàng đa cấp.
Nếu các nhà đầu tư tìm hiểu càng về tầng sâu thì giá cả lại càng tăng điều đó chứng tỏ đây đích thị đây là mô hình kim tự tháp, hoạt động Ponzi nhằm lừa đảo đến người tiêu dùng.
- Cố gắng làm rắc rối thêm mô hình kinh doanh của mình
Những tầng lớp lãnh đạo thường sẽ cố gắng làm cho người tham gia không thể hiểu được mô hình kinh doanh. Hoặc rõ rệt nhất đó là cố gắng giấu đi những thông tin về doanh nghiệp, thông tin về tính pháp lý của các dự án.
Bất kể là những dự án ICO tiền ảo mang tính phi tập trung thì những người đứng đầu dự án cũng đều sẽ công khai. Không có chuyện là ẩn danh để làm dự án. Do vậy nếu thấy chưa rõ thì quý nhà đầu tư không nên đầu tư vào.
- Bắt buộc phải mua hàng mới được tham gia
Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất và dễ nhận biết nhất. Nếu nhà đầu tư của bạn rủ bạn tham gia và bắt cần phải đầu tư một gói tài chính là 1.000 USD hoặc một trong số các con số khác thì mới bắt đầu tham gia được thì hãy cẩn thận. Khả năng cao là họ đang lấy tiền của người sau để chi trả cho người trước.
Lưu ý đó là, dù bạn bè thân tình đến mấy cũng cần phải thật sự là tỉnh táo. Trong đầu tư tiền, sẽ không có chuyện tham gia vì nể nang.
- Ăn theo cái tên của những mô hình truyền thống
Trên thị trường gần đây có rất nhiều sàn BO trá hình liên tục được ra mắt, rồi lâu lâu họ lại đổi tên, thoát xác thành một cái tên mới khác. Họ thường sẽ lợi dụng mô hình BO – Quyền chọn nhị phân để quảng bá cho các mô hình tài xỉu xanh đỏ của mình. Những mô hình này thường có tên miền và có server được đặt ở nước ngoài, đặt biệt đó là đảo SÍP.
- Rất khó rút tiền ra khỏi các tổ chức
Thông thường để rút được tiền đầu tư ra nhà đầu tư cần phải quy đổi sang một đồng tiền điện tử vô danh khác mà chính chủ sàn lại là người tạo ra đồng tiền đó. Do vậy, để có thể thanh khoản được đồng tiền đó thì bạn cần phải có thêm người khác tham gia mua lại của bạn.
Vấn đề đặt ra đó là nếu không có ai mua đằng sau thì giá trị của các đồng coin đó cũng trở nên vô giá trị mặc dù nó có đang nằm trong tài khoản của bạn.
7. Cách phòng tránh các dự án có mô hình Ponzi hiệu quả
Để bảo vệ bản thân trước các mô hình Ponzi, thì bạn cần phải thận trọng trước những cơ hội đầu tư từ “trên trời rơi xuống”. Nhất là từ những lời mời gọi vào các cơ hội đầu tư dài hạn, đặc biệt là tại một thị trường có đầy biến động và sự rủi ro như đồng tiền điện tử.
- Cần tìm kỹ các hiểu thông tin liên quan đến dự án đó: Liệu có hay không sự mập mờ, những bí mật không muốn được công khai như lộ trình để phát triển, công nghệ,…
- Nguyên tắc cần phải nhớ: Khi mức lợi nhuận càng cao – thì khả năng rủi ro cũng càng cao.
- Chú ý đến những số liệu thực tế: Những con số sách, và các báo cáo công khai, số liệu và các thông tin đầu tư..
- Đưa ra các quyết định dựa vào những dữ liệu phân tích, có cơ sở rõ ràng, không nên chỉ dựa vào sự tin tưởng hay từ sự ảnh hưởng của người khác.
Là một nhà giao dịch thông thái, các nhà đầu tư cần đặt ra các vấn đề về cơ hội lợi nhuận, rủi ro hay chi phí. Hiểu rõ được bản chất của các khoản đầu tư không bao giờ là dư thừa để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho tài chính của chính mình.
8. So sánh mô hình Ponzi với bán hàng đa cấp
3Gang đang so sánh mô hình Ponzi với mô hình đa cấp chân chính – Multi Level Marketing đã được công nhận trên thế giới. Chưa đề cập đến những mô hình đa cấp biến tướng và lừa đảo cụ thể như sau:
Mô hình Ponzi | Đa cấp chân chính | |
Hàng hoá | Không có hàng hóa hoặc có những chất lượng sản phẩm rất thấp. | Có sản phẩm thật, đó phải là sản phẩm hữu hình. Đa số đó là thực phẩm chức năng |
Giá bán | Giá bán thường rất cao so với giá trị thật của sản phẩm đó | Giá bán tương xứng với giá trị của sản phẩm |
Lợi nhuận thu về | Từ người sau và trả cho người trước | Từ hoạt động kinh doanh sản phẩm thực tế |
Phí tham gia | Phải bắt buộc mua gói sản phẩm sau đó mới được tham gia | Không có khoản phí tham gia hoặc phí tham gia là rất thấp |
Pháp luật | Không được pháp luật công nhận | Có hành lang pháp lý quản lý rõ ràng |
9. So sánh mô hình Ponzi với mô hình kim tự tháp
Mô hình Ponzi và mô hình kim tự tháp hiện đang biến tướng ở Việt Nam và gần đây có một số điểm giống và khác nhau cụ thể:
- Giống nhau
- Đều là hình thức đa cấp
- Người thành lập đều không mất vốn nhưng lại được nhiều tiền nhất
- Những người tham gia nếu bỏ tiền đầu tư càng lớn sẽ càng mất nhiều
- Hệ thống sụp đổ là khi Schemer ôm tiền bỏ trốn hoặc bị bắt.
- Khác nhau
Mô hình kim tự tháp |
Mô hình Ponzi |
|
Phương thức hoạt động |
Có mức lợi nhuận từ việc mua và phân phối các sản phẩm. Mục đích chỉ nhằm tìm kiếm thêm người phân phối chứ không nhằm mục đích là bán sản phẩm chất lượng tốt. | Hứa hẹn nhận được một khoản lợi nhuận cao ngất ngưởng khi đầu tư vào hoặc giới thiệu được ai đó cùng tham gia vào. |
Phí tham gia |
Tiền mua các sản phẩm | Không mất bất kỳ khoản nào |
Lợi nhuận |
Thu được khi giới thiệu được khách hàng mua sản phẩm hoặc tìm được các nhà phân phối mới. | Lời hứa hẹn được trả lãi và người giới thiệu khi tham gia hệ thống. |
Nguồn gốc lợi nhuận |
Hoa hồng của những người mới trả cho những người giới thiệu | Sử dụng khoản tiền đầu tư của người sau để trả lãi cho người trước và trả cho người giới thiệu |
Sụp đổ |
Rất là nhanh | Chậm hơn nếu những nhà đầu tư tiếp tục rót thêm vốn |
Kết luận
Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về mô hình Ponzi mà 3Gang muốn chia sẻ đến bạn đọc. Đây là một hình thức lừa đảo theo hệ thống và cực kỳ là chuyên nghiệp. Vì thế, các nhà đầu tư cần phải hết sức tỉnh táo, tìm hiểu thật kỹ mọi thông tin để tránh bị “sập bẫy” của những kẻ lừa đảo, dẫn tới “tiền mất tật mang”. Cảm ơn bạn đọc đã luôn theo dõi và ủng hộ các bài viết của 3Gang. Nếu có bất kỳ những thắc mặc nào hay liên hệ ngày với chúng tôi, chúng tôi sẽ phản hồi các bạn sớm nhất.