Trong quá trình sử dụng các loại thẻ ngân hàng, việc thẻ bị hư hỏng, trầy xước hoặc hết hạn là điều không thể nào tránh khỏi, dù là bất cứ loại thẻ nào. Vậy trong trường hợp thẻ ATM hết hạn sử dụng thì cần xử lý thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây, 3Gang sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên, đồng thời cung cấp những thông tin hữu ích và hướng dẫn cách xử lý khi thẻ ATM hết hạn nhé.
Thẻ ATM bao giờ thì hết hạn?
Đây là thắc mắc khá phổ biến của khách hàng khi sử dụng thẻ ATM. Thông thường, hạn sử dụng của 1 thẻ ATM sẽ từ 5 đến 10 năm, hết thời gian đó bạn sẽ phải gia hạn và đổi thẻ mới để sử dụng. Nếu không gia hạn thêm, thẻ ATM sẽ tự động khóa và không thể tiếp tục dùng để thực hiện các giao dịch ngân hàng nữa.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng sẽ khóa thẻ của khách hàng nếu trong tài khoản liên kết không có bất cứ giao dịch nào từ 6 tháng đến 12 tháng. Trong trường hợp này, bạn có thể liên hệ với ngân hàng để tiếp tục sử dụng.
Cách kiểm tra hạn sử dụng của thẻ ATM
Nhằm mục đích để sử dụng thẻ ATM không bị gián đoạn, việc nắm rõ thông tin về ngày hết hạn thẻ ATM được xem là điều cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn chủ động trong việc gia hạn thẻ hoặc tiến hành thay đổi thẻ mới sớm hơn, từ đó giúp các giao dịch có liên quan được thực hiện liên tục và nhanh chóng.
Hiện nay, có 4 cách để khách hàng có thể xác định được thông tin này.
Kiểm tra trực tiếp thông tin ghi trên thẻ ATM
Thông thường, các ngân hàng khi phát hành thẻ sẽ ghi thông tin về ngày hết hạn thẻ ATM tại mặt trước của thẻ. Nó sẽ được ký hiệu theo dạng MM/YY, trong đó MM là 2 số thể hiện tháng, YY là 2 số cuối cùng của năm hết hạn. Ví dụ, trên thẻ ghi hạn sử dụng là 12/21 tức là thẻ sẽ hết hạn vào tháng 12/2021.
Kiểm tra online bằng các ứng dụng Internet/Mobile Banking
Ngày nay, với các ứng dụng ngân hàng tiện lợi, người dùng có thể quản lý mọi thông tin liên quan trên ứng dụng, bao gồm cả các thông tin về hạn sử dụng của thẻ ATM. Khách hàng chỉ cần đăng nhập vào ứng dụng, sau đó chọn mục quản lý thẻ. Trên đó, sẽ thể hiện chi tiết các thông tin về chiếc thẻ ATM của bạn.
Kiểm tra ngay tại cây ATM
Bạn có thể đến cây ATM của bất kỳ ngân hàng nào, sau đó đút thẻ vào để kiểm tra thông tin. Nếu thẻ ATM đã hết hạn và bị khóa thì màn hình sẽ hiển thị thông báo cho bạn biết.
Liên hệ đến ngân hàng phát hành thẻ ATM
Nếu chiếc thẻ của bạn đã dùng một thời gian quá lâu làm cho thông tin về hạn sử dụng của thẻ bị mờ, bạn có thể đến trực tiệp các điểm giao dịch của ngân hàng và nhờ nhân viên kiểm tra lại thông tin. Tại đây, bạn cần cung cấp cho họ một số thông tin cá nhân (ví dụ như họ tên, số căn cước công dân…) để xác minh danh tính. Sau đó, họ sẽ giúp bạn tra cứu thông tin về thời hạn sử dụng của thẻ ATM.
Một số ngân hàng quy định thời hạn sử dụng thẻ ATM như thế nào?
Hầu hết các thẻ ATM nội địa và quốc tế đều có quy định rõ ràng về hạn sử dụng nhất định. Một số thẻ có thời gian sử dụng chỉ được 3 đến 4 năm, trong khi một số khác cũng có thể lên tới 6 – 7 năm. Tùy thuộc vào quy định của từng ngân hàng mà hạn sử dụng cũng sẽ không giống nhau:
- Ngân hàng Agribank, Techcombank, VPBank, Vietinbank: thẻ ATM nội địa có hạn sử dụng là 5 năm.
- Ngân hàng quốc tế VIB: thẻ ATM nội địa có thời hạn là 8 năm.
- Ngân hàng Vietcombank: thẻ ATM nội địa có thời hạn là 7 năm.
- Ngân hàng BIDV: thẻ ghi nợ nội địa không có quy định cụ thể về giới hạn giá trị sử dụng thẻ. Tuy nhiên đối với thẻ ghi nợ quốc tế hay thẻ tín dụng quốc tế sẽ có hạn sử dụng là 4 đến 5 năm.
- Ngân hàng Sacombank: thẻ tín dụng quốc tế có thời hạn sử dụng thẻ là 3 năm; thẻ thanh toán quốc tế có thời hạn sử dụng thẻ là 5 năm. Đối với thẻ thanh toán nội địa: thời hạn sử dụng tới năm 2049 (lưu ý không áp dụng cho các loại thẻ đồng thương hiệu).
Thẻ ATM ngân hàng hết hạn phải làm thế nào?
Nếu thẻ ATM ngân hàng của bạn bị khóa, hãy lập tức kiểm tra xem ngày phát hành và ngày hết hạn của thẻ là bao nhiêu.
Nếu chính xác thẻ ngân hàng của bạn bị khóa vì lý do hết hạn thì bạn cần đến các điểm giao dịch ngân hàng để được nhân viên hỗ trợ tư vấn về việc gia hạn hoặc làm lại thẻ mới.
Điều này khá cần thiết và nên xử lý ngay bởi vì dù thẻ bị khóa và không thể sử dụng được nhưng bạn vẫn có thể phải trả phí thường niên định kỳ nếu không thông báo hủy thẻ.
Các bước để làm lại thẻ ATM hết hạn như sau:
Bước 1: Đến chi nhánh hoặc quầy giao dịch ngân hàng gần nhất.
Bước 2: Thông báo với giao dịch viên thẻ ATM của bạn hết hạn và yêu cầu họ gia hạn hoặc làm mới thẻ để tiếp sử dụng.
Bước 3: Xuất trình các loại giấy tờ cá nhân cần thiết theo yêu cầu (CMND/CCCD hoặc hộ chiếu còn hiệu lực).
Bước 4: Điền đầy đủ thông tin vào mẫu đơn mà giao dịch viên cung cấp cho bạn.
Bước 5: Giao dịch viên xác nhận thông tin và thông báo ngày nhận lại thẻ cho bạn.
Một số câu hỏi thường gặp về vấn đề hết hạn thẻ ATM
Nếu thẻ ATM hết hạn có bị khóa lại không?
Khi đến ngày hết hạn của thẻ ATM mà bạn không nhanh chóng tiến hành gia hạn hoặc làm thẻ mới thì ngân hàng sẽ khóa thẻ của bạn.
Thẻ ATM hết hạn có thể rút được tiền ra không?
Thẻ ATM là công cụ được sử dụng để giao dịch tại cây ATM và máy POS. Do đó, nếu thẻ hết hạn và bị khóa đồng nghĩa với việc bạn không thể thực hiện giao dịch rút tiền được. Muốn rút tiền, bạn phải mang CMND/CCCD đến ngân hàng làm thủ tục rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch.
Thẻ ATM hết hạn có thể chuyển tiền vào được không?
Mặc dù thẻ ATM bị khóa, nhưng do tài khoản ngân hàng của bạn vẫn hoạt động bình thường nên vẫn có thể chuyển tiền vào tài khoản như bình thường. Chú ý là bạn chỉ được chuyển tiền vào qua các dịch vụ Internet/Mobile banking hoặc ra trực tiếp ngân hàng để thực hiện chứ không thể giao dịch qua máy ATM được.
Tuy hết hạn nhưng trong thẻ ATM vẫn còn tiền thì có mất không?
Mặc dù thẻ ATM bị hết hạn, nhưng tài khoản ngân hàng của bạn vẫn còn hoạt động nên số tiền có trong thẻ không bị mất đi.
Có thể rút hết tiền trong tài khoản ra trước khi thẻ hết hạn không?
Trong thẻ ATM luôn yêu cầu khách hàng duy trì số dư tối thiểu là 50.000 đồng, khách hàng không thể rút số tiền này tại các ATM hay thực hiện các giao dịch với số tiền này. Bạn chỉ có thể thực hiện rút theo quy định của ngân hàng hoặc thanh toán phí thường niên và các chi phí của các dịch vụ SMS Banking, Internet Banking hàng tháng nếu trong tài khoản không đủ tiền.
Trong trường hợp bạn đang có nhu cầu khóa thẻ hay không sử dụng thẻ nữa thì vẫn còn cách cho bạn rút hết số tiền còn lại trong thẻ ATM của mình. Bạn có thể tới quầy giao dịch yêu cầu rút nốt số tiền với các quy định phải thực hiện khóa thẻ cùng lúc và không sử dụng dịch vụ nữa.
Cách giúp bạn bảo vệ thẻ an toàn trước ngày hết hạn
Hiện nay thẻ ATM là một trong những vật dụng cần thiết cho mỗi người nhờ tiện ích mà nó mang lại. Nhằm giúp bạn bảo quản thẻ an toàn và tránh các trường hợp phải yêu cầu làm lại thẻ mới trước ngày hết hạn, sau đây là một số lưu ý mà bạn cần biết.
Không để lộ thông tin thẻ ra ngoài
Bảo mật thông tin là điều kiện bắt buộc khi sử dụng các loại thẻ ngân hàng. Đặc biệt khi thông tin thẻ được liên kết trực tiếp tới tài khoản ngân hàng của bạn. Chỉ một sơ xuất nhỏ làm lộ thông tin thẻ hoặc đưa thẻ cho người khác, bạn dễ dàng có khả năng bị kẻ gian lợi dụng, giả mạo thẻ hoặc trục lợi. Khi xảy ra những tình huống này, việc duy nhất bạn có thể làm là thông báo khoá thẻ và yêu cầu làm thẻ mới.
Tránh làm trầy xước thẻ hoặc đặt thẻ ở nơi có độ ẩm cao
Việc để thẻ bị trầy xước hoặc dính nước dễ dàng dẫn đến trường hợp các cây ATM hoặc máy POS không thể nhận diện được thông tin thẻ của bạn. Tương tự giống trường hợp nêu trên, việc duy nhất mà bạn có thể làm là liên hệ ngân hàng yêu cầu phát hành lại thẻ mới.
Tránh làm cong vênh hoặc gãy thẻ
Tương tự như trên, thẻ bị cong, vênh hoặc gãy sẽ dẫn đến khả năng không được nhận diện khi giao dịch tại các máy ATM hoặc qua máy POS.
Kết luận
Với những kiến thức mà 3Gang cung cấp trên đây, đã giúp bạn nắm được lý do và cách xử lý các loại thẻ ngân hàng hết hạn sử dụng. Hãy chú ý trong cách sử dụng và bảo quản chiếc thẻ của mình thật tốt để hạn chế tối đa xảy ra những rủi ro không đáng có bạn nhé!