“Khả năng kiếm lời từ chứng khoán rất cao, nhưng có lẽ không dành cho tất cả mọi người, tôi là một trong số đó”, một nhà đầu tư F0 ngậm ngùi tâm sự khi chứng kiến phiên giảm sốc vừa qua.
Theo Số liệu từ Trung tâm Lưu ký, lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Năm 2021 là năm mà đi đâu bạn cũng có thể bắt gặp các câu chuyện liên quan đến mua bán chứng khoán, đầu tư bất động sản,…Có rất nhiều người lần đầu tiên biết đến mua, bán cổ phiếu, họ là dân văn phòng, nội trợ và thậm chí là xe ôm,…vốn không có kiến thức gì liên quan đến chứng khoán hay đầu tư. Có người “đại thắng” trong năm qua, nhưng cũng hàng loạt nhà đầu tư “nếm trái đắng”.
Chị Trang (28 tuổi, chuyên viên xuất nhập khẩu), một nhà đầu tư F0 chia sẻ, chị mới tham gia đầu tư chứng khoán từ tháng 1/2021. Nhìn bạn bè “chơi chứng” rất sôi nổi, với số vốn vài trăm triệu mà sau một vài tháng đã có thể có lãi tới 50-70 triệu đồng, chị cũng mạnh dạn thử đầu tư. Ban đầu chị chỉ dám bỏ ra 30 triệu đồng để “chơi thử”, rồi dần dần đỉnh điểm lên 150 triệu đồng. Mua đi bán lại rất nhiều lần, có lúc lời lúc lỗ nhưng đến cuối năm, sau khi tổng hợp lại mới thấy lỗ đến 35 triệu đồng.
“Hiện danh mục của tôi còn khoảng 5 mã và đang âm 23 triệu. Giờ mà bán thì bị lỗ quá nhiều, tôi dự định chờ có nhịp phục hồi rồi bán hết, đem tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, chỉ có lãi 6%/năm thôi nhưng có thể yên tâm và tập trung cho công việc chính của mình. Khả năng kiếm lời từ chứng khoán rất cao, nhưng có lẽ không dành cho tất cả mọi người, tôi là một trong số đó”, chị Trang tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, anh Quyết (33 tuổi, làm về IT), một nhà đầu tư F0 khác chỉ mới tham gia mua bán chứng khoán được nửa năm cũng chia sẻ sẽ “rời cuộc chơi”. “Tôi có tới 7 mã ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bất động sản, tài chính, bán lẻ,….Cứ nghĩ “bỏ trứng nhiều rổ” sẽ an toàn, nhưng nào ngờ mấy phiên gần đây ngành nào cũng giảm, nhiều mã giảm sàn lại còn trắng bên mua. Bán thì lỗ, mà tiếp tục giữ thì có khi còn lỗ nhiều hơn”.
Anh Quyết tâm sự, vì không có kiến thức về kinh tế hay đầu tư nên anh chủ yếu mua theo tư vấn của môi giới và tham gia các hội nhóm. Không chỉ anh mà nhiều người quen của anh cũng đang “sốc” khi thị trường đảo chiều các phiên gần đây, đặc biệt là những người lỡ “lên tàu” nhóm cổ phiếu “họ FLC”.
“Đầu tư cả năm, ngày nào cũng xem bảng điện nhưng cuối cùng không lãi được đồng nào. Nhiều đợt thị trường giảm sốc khiến tôi mất ăn mất ngủ, không tập trung được công việc, chỉ mong không bị lỗ. Nhìn sang bố mẹ tôi cứ có tiền lại gửi tiết kiệm, “túc tắc” có khoảng 5,5%/năm thôi, nhưng ít nhất không bao giờ sợ mất tiền”, chị H.T ngậm ngùi tâm sự. Chị H.Thương cho biết sẽ giảm số tiền mua cổ phiếu, chỉ mua các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh tốt để đầu tư dài hạn và không lướt sóng nữa. Phần lớn số tiền tích cóp được chị sẽ gửi ngân hàng, tập trung làm ăn để đảm bảo cuộc sống an toàn hơn.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh đã tạo ra cơ hội làm giàu rất lớn trong 2 năm qua, là sức hút khó chối từ với những người muốn kiếm lời nhưng không biết kinh doanh hay không có số tiền lớn để mua bất động sản. Nhiều nhà đầu tư đã chuyển bớt tiền gửi tiết kiệm ngân hàng sang tài khoản chứng khoán với mong muốn có lãi, không để “tiền chết” khi lãi suất ngân hàng xuống thấp kỷ lục, chỉ còn 5-6%/năm khi gửi kỳ hạn 12 tháng.
Theo thống kê của NHNN, trong 10 tháng đầu năm 2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng vỏn vẹn 3,08%, mức thấp nhất trong lịch sử thống kê từ 2012 đến nay. Mức tăng trưởng này lại chủ yếu nhờ tháng 2 năm ngoái trong khi từ giữa năm đến nay tăng rất “èo uột” và thậm chí suốt 3 tháng 7-8-9 liên tục giảm. Tiền gửi dân cư đã bắt đầu phục hồi trở lại trong tháng 10 khi nền kinh tế mở cửa và nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động để hút khách trở lại. Hiện nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất lên trên 7%/năm, thậm chí là 7,6%/năm.
Nhiều chuyên gia dự báo, trước áp lực cạnh tranh từ các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản cũng như áp lực lạm phát trong năm 2022, các ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất huy động trong thời gian tới với mức tăng khoảng 0,5 điểm % để thu hút khách hàng. Mức tăng này không quá nhiều để vẫn giữ mục tiêu lãi suất cho vay thấp, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị